Bàn chân bẹt ở trẻ: Dị tật phổ biến nhưng ít cha mẹ quan tâm

10-05-2023 13:18 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Bàn chân bẹt là một dị tật thường gặp ở trẻ nhỏ mà phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện nếu hiểu rõ hội chứng này. Từ đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp việc can thiệp chỉnh hình cho trẻ đạt được hiệu quả tốt hơn và tránh để lại nhiều di chứng sau này.

Cách nhận biết bàn chân bẹt ở trẻ

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có bàn chân bẹt, thường không có vòm bàn chân do lứa tuổi này cấu trúc bàn chân chủ yếu là mô mềm. Sự phát triển hoàn thiện bàn chân diễn ra cho đến khi trẻ 2 đến 3 tuổi. 

Cha mẹ có thể phát hiện các dấu hiệu trẻ có bàn chân bẹt dựa trên đặc điểm thấy vòm bàn chân (lòng bàn chân) trẻ bằng phẳng, không có hõm cong tự nhiên, đặc biệt có thể nhìn thấy khi trẻ đứng, toàn bộ hoặc hầu hết diện tích lòng bàn chân đều áp sát xuống mặt sàn. Ở giai đoạn này, nếu hõm bàn chân của trẻ vẫn chưa phát triển thì trẻ đã mắc chứng bàn chân bẹt.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cũng có thể nhận biết sớm trẻ có bàn chân bẹt khi thấy lòng bàn chân của trẻ phẳng và có khuynh hướng áp cạnh trong (phần vòm) của bàn chân xuống đất khi trẻ đi đứng. Nếu cho trẻ đứng in hình bàn chân lên cát hoặc trên giấy thì dấu in hiện rõ toàn bộ bàn chân, không để lại hõm cong.

Ngoài các biểu hiện ở lòng bàn chân, trẻ dị tật bàn chân bẹt cũng có thể kèm theo lệch trục chân với biểu hiện khớp gối hai bên có xu hướng chụm vào nhau. Hoặc khi cha mẹ cho trẻ đứng quay mặt vào tường có thể nhận thấy góc cạnh mắt cá chân cong lên khá nhiều.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên giải đáp thông tin về bàn chân bẹt ở trẻ. 

Nguyên nhân bàn chân bẹt ở trẻ

Vì sao trẻ bị bàn chân bẹt? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bàn chân bẹt ở trẻ, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân thứ phát.

Nguyên nhân chủ yếu của dị tật bàn chân bẹt bẩm sinh do di truyền. Ngoài ra các nguyên nhân thứ phát thường gặp là các mô liên hệ ở vùng bàn chân lỏng lẻo, kéo giãn do hoạt động quá mức hoặc trẻ mang giày không phù hợp, sau chấn thương, béo phì… hoặc trong các bệnh lý thần kinh cơ ở trẻ.

Bàn chân bẹt có chữa được không?

Bàn chân bẹt có thể khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm trong khoảng 3 – 7 tuổi. Trẻ có thể vận động bình thường và không để lại các di chứng khi trưởng thành. Trong giai đoạn này, ngay khi trẻ được chẩn đoán, việc điều trị sớm bằng đế giày chỉnh hình trong vòng 1 đến 2 năm có thể giúp trẻ tạo vòm bàn chân hoàn toàn. 

Ngoài ra, kết hợp chỉnh hình và các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tạo thuận cho quá trình tạo vòm bàn chân. Việc quan trọng là phát hiện và can thiệp điều trị sớm cho trẻ giúp việc hồi phục đơn giản và nhanh hơn.

Với trẻ trên 7 tuổi, hiệu quả can thiệp chỉnh hình và phục hồi chức năng sẽ giảm đi khi trẻ ngày càng lớn. Tuy nhiên tùy tình trạng của trẻ một số trường hợp có thể đạt hiệu quả nếu được can thiệp điều trị theo đúng quy trình. 

Một số trường hợp trẻ lớn hoặc dị tật bàn chân quá nặng gây biến dạng nghiêm trọng cấu trúc xương có thể cân nhắc phẫu thuật chỉnh hình bàn chân. 

Chính vì vậy, ngay khi nghi ngờ trẻ có bàn chân bẹt ở bất kỳ độ tuổi nào, trẻ cần được đưa đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và lựa chọn các can thiệp phù hợp.

Bàn chân bẹt ở trẻ: Dị tật phổ biến nhưng ít cha mẹ quan tâm - Ảnh 2.

Bàn chân bẹt ở trẻ có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?

Vòm bàn chân có vai trò rất quan trọng trong việc chịu lực, cân bằng, giúp đi đứng nhẹ nhàng và giảm phản lực từ mặt đất dội lên bàn chân. Nếu không được can thiệp chỉnh hình sớm, tình trạng bàn chân bẹt sẽ gây ra các hậu quả nguy hiểm như:

- Gây mất cân bằng cả cơ thể, lệch trục chân, dáng đi xấu.

- Cơ thể giảm khả năng chịu trọng lực, mất thăng bằng dẫn đến hạn chế hoạt động và vận động hàng ngày.

- Khi chạy nhảy trẻ dễ bị ngã do bàn chân không đủ linh động.

- Khi trẻ lớn lên dễ đau ở vùng khớp gối, khớp háng, cột sống và đặc biệt thường sưng đau vùng khớp cổ chân. Từ đó, khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày bị hạn chế hơn người bình thường.

Địa chỉ khám bàn chân bẹt ở trẻ

- Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Địa chỉ 40 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội. 

- Khoa Chỉnh hình Nhi - Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: 18/679 La Thành - Đống Đa - Hà Nội. 

- Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội. 

- Khoa Nội Cơ xương khớp - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng - Hà Nội. 


PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn