1. Nguyên nhân gây bàn chân bẹt
Hội chứng bàn chân bẹt thường do thói quen đi chân đất, đi dép hoặc xăng-đan có đế lót bằng phẳng từ khi còn nhỏ tuổi.
Một số trẻ có gen xương khớp mềm ở bàn chân cũng có thể phát triển thành bàn chân bẹt. Đây là một tật có yếu tố di truyền vì ở nhiều gia đình, cả bố mẹ và con đều mắc chứng bàn chân bẹt.
Gãy xương, mắc một số bệnh lý khớp mạn tính hoặc các bệnh lý liên quan đến thần kinh, béo phì, đái tháo đường, người cao tuổi và mang thai cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt.
Thống kê cho thấy có khoảng 30% dân số mắc chứng bàn chân bẹt tùy theo cấp độ, có hoặc không kèm theo giãn hoặc rách gân cơ chày sau. Ban đầu, bàn chân bẹt không gây đau, đến một thời điểm nào đó khi khung xương không đủ lực chịu đựng sự mất cân bằng thì người bệnh sẽ đau mắt cá chân, đau đầu gối, đau khớp háng hay thắt lưng.
2. Dấu hiệu bàn chân bẹt
Hầu hết trẻ mắc dị tật bàn chân bẹt không cảm thấy đau đớn gì.
Bàn chân bẹt có thể phát hiện từ khi còn nhỏ. Thông thường từ 3 tuổi trở lên, các vòm bàn chân sẽ bắt đầu được hình thành, vì vậy có thể kiểm tra bằng cách:
Làm ướt bàn chân (bằng nước trắng hoặc nước có màu thì càng rõ), sau đó đặt bàn chân để in lên một tờ giấy trắng, tờ bìa hoặc nền gạch sao cho có thể nhìn rõ dấu chân in. Nếu nhìn thấy dấu ấn của nguyên cả bàn chân trên bề mặt in thì có khả năng đã bị mắc chứng bàn chân bẹt. Tuy nhiên, nếu phần hình in có một khoảng trống nhỏ thành hình vòm cong thì có thể yên tâm không mắc phải dị tật này.
Cũng có thể giẫm chân lên cát, nếu cát lún và in hình bàn chân có đường cong thì chân bình thường và ngược lại, nếu trẻ in được cả bàn chân xuống cát thì có thể đã mắc chứng bàn chân bẹt.
Ngoài ra, một số trẻ mắc bàn chân bẹt cũng có thể gặp phải những triệu chứng sau: đau chân, đặc biệt là ở vùng cổ chân, cơn đau tăng lên khi đi bộ, chạy nhảy, đau lan lên mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối…dễ bị chuột rút ở chân, gặp khó khăn hoặc vụng về khi chơi thể thao, dễ té ngã bởi bàn chân sẽ không có sự đàn hồi để hấp thụ, giảm lực. Do đó, người có bàn chân bẹt thường không thể chạy nhanh, dễ té ngã và lật cổ chân.
3. Bàn chân bẹt có lây không?
Hội chứng bàn chân bẹt thường do gen xương khớp mềm ở bàn chân. Đây là một tật có yếu tố di truyền vì ở nhiều gia đình, cả bố mẹ và con đều mắc chứng bàn chân bẹt, đây không phải bệnh lây nhiễm, nên không thể lây bệnh.
4. Cách phòng bàn chân bẹt
Hiện nay, chưa có phương án phòng tránh triệt để hội chứng bàn chân bẹt, nhưng có thể hạn chế bằng cách: xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất. Không nên để trẻ có thói quen mang dép tông hay xăng-đan khi ra ngoài.
Khi có các dấu hiệu bàn chân bẹt thì nên đi khám sớm, nhất là khi phát hiện trẻ gặp khó khăn hoặc vụng về khi chơi thể thao, dễ té ngã.
5. Cách điều trị bàn chân bẹt
Với sự phát triển của y học hiện đại, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng thông qua thiết bị chuyên dụng đo bàn chân bẹt kết hợp cùng máy in 3D lót đế giày chỉnh hình, giúp hỗ trợ trong việc điều trị và ngăn ngừa các biến chứng do bàn chân bẹt gây ra.
Tùy từng người mà có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu được phát hiện sớm, phương pháp trị liệu không phẫu thuật với đế giày chỉnh hình y khoa sẽ là giải pháp đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh tật bàn chân bẹt ở trẻ em.
Đây là một miếng lót giày được thiết kế đặc biệt đo trên bàn chân của từng trẻ, miếng lót này giúp tạo vòm và nâng đỡ bàn chân, hỗ trợ xương khớp trở về đúng trục.
Đế chỉnh hình này có thể được lót dưới hầu hết các loại giày dép thông dụng của trẻ và được khuyến cáo nên sử dụng thường xuyên trong các hoạt động đi đứng hàng ngày, mỗi khi bàn chân của trẻ phải chịu lực. Đi đế giày chỉnh hình thường xuyên, cấu trúc bàn chân của trẻ 2 - 7 tuổi có thể trở về vị trí cân bằng mong muốn.
Từ sau giai đoạn này cho đến khi trẻ đủ 12 tuổi, việc tạo vòm chân mang lại hiệu quả cải thiện thấp hơn và thời gian mang đế chỉnh hình cũng kéo dài hơn. Ở người trưởng thành, việc sử dụng đế chỉnh hình chỉ có tác dụng ngăn ngừa đau khớp, thoái hóa khớp... nhưng không thể tạo vòm chân được nữa và bệnh nhân cần mang đế chỉnh hình suốt đời.
Việc chữa bàn chân bẹt tốt nhất là khi trẻ ở độ tuổi từ 2 - 7 tuổi. Phẫu thuật sẽ được chỉ định trong một số trường hợp nghiêm trọng.
Trường hợp phải chỉ định can thiệp phẫu thuật với trẻ trên 8 tuổi, khi trẻ bước vào giai đoạn phát triển chiều cao nhanh và hình thành gân gót Achille ngắn hơn bình thường.
Tuy vậy, khi mắc bàn chân bẹt tập vật lý trị liệu có thể cải thiện được các triệu chứng đau do bàn chân bẹt gây ra. Sử dụng các bài tập dành cho người bệnh bàn chân bẹt hỗ trợ cải thiện sức khỏe, tăng độ linh hoạt cho bàn chân và mắt cá chân, nhờ đó cải thiện triệu chứng.