Thoát vị đĩa đệm là gì?
Bình thường chúng ta có 24 đốt sống có thể cử động (từ cổ đến thắt lưng), giữa các khoang đốt sống là đĩa đệm (hình vẽ).
Đĩa đệm có cấu trúc dạng thớ sợi chắc xếp theo hình vòng tâm và chứa nhân keo (gelatin). Nó có tác dụng làm cho cột sống cơ thể cử động uyển chuyển và làm giảm sóc của cơ thể.
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các tác nhân sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, và trên lâm sàng thường biểu hiện chứng đau về thần kinh.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội có đủ bác sĩ và trang thiết bị y tế tiên tiến sẵn sàng phục vụ bạn
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Và khi thoát vị đĩa đệm có đè ép vào rễ dây Thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân (còn gọi là đau tọa lưng). Khi thoát vị ở vị trí cổ, sẽ gây đau cổ gáy. Nếu kết hợp ép rễ thần kinh cánh tay sẽ gây đau cổ, vai và tay cùng bên bị chèn ép.
Thoát vị cũng có thể không nhận biết được khi không có triệu chứng vì nó không gây đè ép vào rễ dây thần kinh.
Ai hay bị thoát vị?
Thoát vị đĩa đệm hay gặp ở lứa tuổi 35-55 tuổi. Nam gặp nhiều hơn nữ. Điều này có lẽ do yếu tố gắng sức, hoạt động thể lực hoặc chơi thể thao gắng sức hoặc yếu tố nghề nghiệp khiến nam giới hay gặp hơn nữ giới.
Nguyên nhân
- Thoái hóa (degenerescence): đĩa đệm bị thoái hóa tăng lên theo tuổi tác. Cột sống cũng mất trương lực, mất độ mềm mại và giảm chiều cao của mình theo thời gian.
- Hoạt động bất thường đột ngột: ví dụ khi ta bưng bê đồ vật nặng sai tư thế, khiến cho cột sống bị xoắn vặn quá mức.
- Quá tải trọng lượng và phụ nữ mang thai: làm cho tăng áp lực gánh nặng thêm cho cột sống.
- Yếu tố di truyền: nhiều thành viên trong gia đình bị thoát vị đĩa đệm, trong trường hợp này người trẻ cũng bị thoát vị do cấu trúc đĩa đệm và cột sống bị yếu.
Khi nào phải đi khám bệnh?
Những trường hợp nên đi khám Bác sĩ Chuyên khoa ngay là:
- Khi bệnh nhân bị đau lưng >1 tuần gây khó chịu cho hoạt động thường ngày.
- Đau lưng xảy ra ngay sau ngã hoặc sau chấn thương
- Cơn đau đánh thức vào ban đêm
- Đau kèm sốt và gầy sút chưa rõ nguyên nhân.
Thoát vị thông thường nếu được chăm sóc tốt sẽ ổn sau đợt điều trị khoảng 4-6 tuần, nếu không đỡ cần khám và tiếp tục liệu trình điều trị mới.
Những trường hợp đau lưng có kèm rối loạn cơ tròn, (bí đại tiểu tiện hoặc ỉa đái không tự chủ, hoặc yếu chi), nên đi khám cấp cứu.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Hiện nay nhờ có chẩn đoán hình ảnh nên chúng ta phát hiện được cả thoát vị có triệu chứng (đau) và không có triệu chứng. Các triệu chứng chính của thoát vị là:
- Đau kịch phát khi ta kích thích nhóm cơ: khi cúi, khi ho hắt hơi hoặc gắng sức. Đau tăng lên khi ngồi lâu, hoặc tư thế đứng hoặc nằm sấp.
- Nếu thoát vị vùng thấp của lưng: sẽ gây đau lưng, có kết hợp hoặc không triệu chứng đau dọc dây Thần kinh tọa.
- Nếu thoát vị đĩa đệm vùng cổ: sẽ có triệu chứng cứng và đau cổ. Đau lan ra 2 vai và cánh tay (thường là một bên), kèm theo có cảm giác tê kiến bò và nặng tay hoặc yếu cẳng hoặc cánh tay.
Những người nhiều nguy cơ
- Liên quan nghề nghiệp phải bê vác nặng hoặc chơi các môn thể thao nặng
- Phụ nữ mang thai, người to béo quá khổ. Người có hệ cơ yếu.
- yếu tố gia đình
Cách dự phòng thoát vị đĩa đệm
Cách phòng bệnh cơ bản.
Cách sống lành mạnh
- Tập thể dục đều đặn, và nên khởi động tốt trước khi bắt tay vào việc.
- Tập củng cố cho cơ thân, cơ bụng, cơ cổ lưng (có bài tập của các huấn luyện viên, chuyên gia vật lý)
- Duy trì chỉ số khối cơ thể trong giới hạn bình thường (không quá béo và không quá gày)
Tư thể đúng
- Tư thế thẳng, đầu thẳng, nhìn thẳng, vai hướng ra sau.
- Khi vác vật nặng, không để vặn cột sống mà nên gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất.
- Khi lao động xúc đất cát, nên để lưng thẳng bằng cách, bước một chân lên trước và chùng gối xuống, lấy gối làm điểm tì để làm việc tránh gây xoắn vặn cột sống.
Trong công việc
- Nếu phải đứng lâu, nên dùng ghế tựa thấp để chân, thay đổi chân từng bên cứ 5-10 phút đặt lên ghế/ lần.
- Nếu phải ngồi lâu hàng giờ trong công sở hoặc lái xe lâu, nên có thời gian nghỉ để tránh căng cứng các cơ
- Dùng ghế văn phòng thẳng để giúp cột sống luôn thẳng.
- Khi ngồi làm việc có thể để gác chân cao hơn 1 chút so với háng.
- Dùng ghế xoay để hạn chế xoắn vặn cột sống
Nên để ý thường xuyên tới:
- Khi có túi sách nên đeo trên vai hơn là cầm tay, tốt nhất là đeo trên hai vai cân đối.
- Khi xử lý vât nặng, động tác đẩy vật nặng được ưu tiên, tránh kéo vật nặng dễ gây sang chấn.
- Tránh đi giày, guốc cao quá (phần gót cao trên 5cm). Nên dùng giày dép vật liệu mềm.
Khi nhận thấy có những biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân nên khám tư vấn với bác sỹ nội thần kinh để được tư vấn. Bệnh nhân sẽ gặp bác sỹ phẫu thuật thần kinh khi có chỉ định phẫu thuật.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc mong muốn đặt khám, vui lòng liên hệ theo số: 84 – 24.3577.1100, truy cập www.hfh.com.vn, hoặc qua email: contact@hfh.com.vn, Địa chỉ: 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.