Hà Nội

Bán cả ruộng nương cho chồng điều trị không đủ, người phụ nữ dân tộc Mông khẩn cầu sự giúp đỡ

03-03-2024 07:31 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS – Bị lóc động mạch chủ type A cấp tính khiến tính mạng của chồng rơi vào nguy kịch, không biết bấu víu vào đâu, người vợ dân tộc Mông khẩn cầu sự giúp đỡ.

Bán cả ruộng nương vào viện cứu chồng

Trên đường dẫn chúng tôi tới buồng bệnh của người đàn ông nghèo khó dân tộc Mông – Giàng Thanh, chị Nguyễn Hà Phương, cán bộ Phòng Công tác xã hội (CTXH) của Bệnh viện Việt Đức cho biết, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, phải điều trị lâu dài với chi phí tốn kém. Thế nhưng, hoàn cảnh của gia đình họ lại quá khó khăn.

Nhà Giàng Thanh ở thôn Na Lốc 2, bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai sát khu biên giới. Để đi xuống được Hà Nội là cả một chặng đường gian nan với gia đình khi mất cả ngày với những con đường quanh co, khúc khuỷu.

Ở vùng núi nghèo, cả nhà Giàng Thanh chỉ trông vào nương ngô. Thế nhưng, theo như chia sẻ của Sùng Cú – vợ Giàng Thanh, năm nào có mưa, trồng ngô mới được mùa. Một năm bán ngô được khoảng 40 triệu đồng. Còn không có mưa như năm ngoái là mất mùa, nhà chẳng thu được gì. Bởi vậy mà cuộc sống của gia đình chị luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Bán cả ruộng nương cho chồng điều trị không đủ, người phụ nữ dân tộc Mông khẩn cầu sự giúp đỡ- Ảnh 1.

Anh Giàng Thanh khi mới vào viện

Vốn đã khó khăn là vậy, bệnh tật ập xuống khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ người Mông này càng khó khăn hơn. Nhắc đến chồng mình, hai hàng nước mắt của Sùng Cú lại rơi. Theo chia sẻ của Sùng Cú, hôm đấy, anh Thanh đang đi suối bắt cá thì thấy khó thở, chân tê không đi được nữa. Mọi người vội đưa vào viện huyện, bác sĩ bảo bị tim. Nghe tin chồng gặp nạn, Sùng Cú gửi 2 con nhỏ bắt xe xuống viện. Ở bệnh viện tỉnh 2 ngày, tình trạng bệnh nặng hơn, bác sĩ khuyên cần chuyển tuyến xuống Hà Nội mới điều trị được. Vậy là ngay trong đêm, xe cấp cứu đưa gấp người đàn ông dân tộc Mông vào Bệnh viện Việt Đức.

Bán cả ruộng nương cho chồng điều trị không đủ, người phụ nữ dân tộc Mông khẩn cầu sự giúp đỡ- Ảnh 2.

Anh Giàng Thanh Bị lóc động mạch chủ type A cấp tính

Lần đầu tiên đặt chân xuống Thủ đô, người phụ nữ dân tộc Mông hoang mang, sợ hãi. Số tiền vay nóng cả bản chỉ vài ngày đã hết nhẵn. "Gia đình đã bán đi mảnh đất trồng dứa được 20 triệu đồng. Số tiền không đủ để đi viện, đành phải chạy vay mượn khắp nơi, giờ lên tới 300 triệu đồng. Giờ em gọi đến cháy máy cũng không vay được ở đâu nữa. Bác sĩ bảo, sau khi phẫu thuật chồng em phải điều trị dài ngày, tốn nhiều tiền nữa mới mong bình thường được. Hoàn cảnh thế này biết lấy tiền đâu chạy chữa. Các bác, các cô, chú ơi cứu lấy chồng em với…", Sùng Cú nói rồi đưa tay bưng mặt khóc nấc lên như một đứa trẻ.

Thương hoàn cảnh éo le của đôi vợ chồng người Mông, các y, bác sĩ cùng Phòng CTXH của bệnh viện đã san sẻ, xin từ bữa cơm từ thiện giúp cho họ cầm cự. Ths.BS Nguyễn Kim Dần – Phó Khoa Hồi sức tích cực tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh nhân Giàng Thanh bị bệnh lóc động mạch chủ type A cấp tính. Bệnh nhân có tiền sử bị Marfan, rối loạn về cấu trúc của mạch máu. Ngay khi vào viện đêm ngày 22/2, bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu ngay, thay đoạn động mạch chủ lên.

Theo bác sĩ Dần, lóc tách động mạch chủ là một bệnh lý cấp cứu tim mạch nguy hiểm, diễn tiến nhanh với tỉ lệ tử vong rất cao. Với những bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ tuyp A như anh Giàng Thanh mà không được mổ cấp cứu thì nguy cơ tử vong có thể theo giờ do vỡ vào khoang màng tim, màng phổi hay suy tim cấp.

"May mắn với bệnh nhân Giang Thanh là được vào viện cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân còn trẻ nên khả năng hồi phục tương đối tốt. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, ra ngoài chăm sóc, theo dõi. Đến nay 1 tuần, bệnh nhân đã ngồi dậy được, ăn uống tốt hơn…" – BS Dần chia sẻ.

Tuy nhiên theo chia sẻ của bác sĩ, bệnh nhân vẫn cần phải kiểm soát huyết áp, tim, động mạch chủ và phục hồi chức năng sau mổ, dinh dưỡng… Trong khi đó, chi phí điều trị tốn kém, một số loại thuốc dùng lại không được chi trả. Trước đó, ca phẫu thuật dù được bảo hiểm chi trả nhưng vẫn hết 50 triệu đồng. Với gia đình nghèo người Mông như bệnh nhân Giàng Thanh là một khó khăn rất lớn. Bởi vậy bác sĩ cũng mong muốn mọi người chung tay hỗ trợ thêm cho Giàng Thanh khi cơ hội điều trị của anh rất lớn.

Bán cả ruộng nương cho chồng điều trị không đủ, người phụ nữ dân tộc Mông khẩn cầu sự giúp đỡ- Ảnh 3.

Anh Thanh đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên việc điều trị vẫn còn dài, tốn nhiều chi phí. Ảnh: PT

Nỗi lo con cùng biểu hiện như bố

Đến hôm nay khi nhìn thấy chồng đã cai máy thở, ngồi dậy được, chị Sùng Cú vô cùng vui mừng. Thế nhưng, một nỗi lo lớn lại đến với chị. Khi xuống bệnh viện Việt Đức điều trị, cả hai vợ chồng chị đã rất bất ngờ biết được Giàng Thanh bị hội chứng Marfan. Trước đó, gia đình chỉ nghĩ là Giàng Thanh người cao nên chân, tay dài.

Bán cả ruộng nương cho chồng điều trị không đủ, người phụ nữ dân tộc Mông khẩn cầu sự giúp đỡ- Ảnh 4.

Chị Sùng Cú lo lắng khi không có tiền điều trị cho chồng, con lại cần phải sàng lọc bệnh vì bác sĩ nói hội chứng Marfan có tính di truyền. Ảnh: PT

Theo bác sĩ, hội chứng Marfan là một dạng bệnh do mô liên kết bị lỏng, khiến cho ngón tay chân dài, yếu ớt... Các cơ quan mắt, thần kinh, hệ xương và hệ tim mạch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là bệnh lý có tính di truyền. Với trẻ nhỏ, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn nên những gia đình có người mắc cần thực hiện sàng lọc thêm với người thân để theo dõi, điều trị từ sớm.

"Giờ thấy chồng tỉnh, em cũng yên tâm hơn. Lúc ở nhà bác sĩ nói không có khả năng mà em sợ lắm. Em nói với chồng mình còn trẻ cố gắng vay mượn để điều trị, khỏi rồi về trả dần. Thế nhưng giờ những chỗ em vay mượn, mọi người cũng đang cần. Bởi vậy mà em đã bàn với ông bà bán nốt đi mảnh đất còn lại. Điều em lo lắng hơn là bác sĩ nói bệnh có di truyền. Em sợ con thứ 2 mới 3 tuổi đang có biểu hiện chân, tay dài bất thường như của bố cháu. Trước mọi người khen cháu cao, em mừng lắm mà giờ lại thấy lo. Tiền đâu để chữa bệnh cho chồng, rồi tới lại phải sàng lọc cho con nữa" – chị Sùng Cú nghẹn ngào chia sẻ.

Một mình chăm sóc chồng ở viện, nỗi lo kinh phí điều trị cho chồng, chị Sùng Cú càng lo cho hai đứa con nhỏ, đứa mới 5 tuổi và đứa 3 tuổi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Mong rằng qua sự kết nối này, gia đình Giàng Thanh sẽ nhận được sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm để sơm được khỏi bệnh, trở về với bản làng, chăm lo cho 2 con nhỏ.

Mọi sự giúp đỡ gia đình Sùng Cú, Giàng Thanh - Mã số 911 xin gửi về:

1. Anh Giàng Thanh ở thôn Na Lốc 2, bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 911

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái" tại tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 911

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.

6. Ủng hộ USD qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 118.000.202.194 (USD)

Đề gửi Mã Số 911


Phương Thuận
Ý kiến của bạn