Hà Nội

Bán cả gia tài lập bảo tàng Bác Hồ

18-05-2015 10:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Yêu Bác Hồ và ao ước lập đền thờ Người trong tư gia, ông Bùi Xuân Phước (thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) ...

Yêu Bác Hồ và ao ước lập đền thờ Người trong tư gia, ông Bùi Xuân Phước (thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) đã bán cả gia sản để phát triển bảo tàng tư nhân có tên Uống nước nhớ nguồn. Ông vui mừng vì khách đến thăm ngày một đông, đồng thời nhân lên lòng biết ơn nguồn cội, cùng những giá trị đã làm nên độc lập dân tộc.

Ông Phước (bên trái) giới thiệu bảo tàng.

Một tình yêu đặc biệt

Yêu quê hương và đặc biệt yêu nghề đã tạo nên tính cách cần mẫn, tỉ mỉ của ông Phước. Bởi thế, mỗi ai đến bảo tàng tư nhân của ông đều nhận thấy các công trình được xây dựng rất hợp lý, chu đáo. “Tôi thấy đây không phải là tài sản của tôi nữa, mà là của chung mọi người dân, của đồng đội tôi. Và nhiều người đã xắn tay vào giúp, cùng động viên tôi”, vị “giám đốc không lương” Bùi Xuân Phước chia sẻ. Vâng, ông đã bán cả gia sản mình, từ lập đền thờ Bác Hồ đến lập cả bảo tàng, làm gì có mối tư lợi. Công việc ở bảo tàng đều do ông làm và kiêm luôn cả diễn thuyết, nhà đầu tư... lấy đâu ra lương!? Năm nay ông đã ở tuổi 81, dáng thấp nhỏ nhưng sự nhiệt tình “chưa chịu già”, ngược lại vẫn sẵn lòng giới thiệu cho khách hiểu hơn về tấm gương giản dị của Bác Hồ, hay về ý nghĩa cũng như những ý tưởng dựng xây nên khu bảo tàng giàu tính nhân văn này.

Vâng, ý tưởng đó được “nuôi” từ khi ông còn công tác ở ngành bảo tàng, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1994 ông đi tìm những đồng đội cũ nêu ý tưởng, nhờ giúp đỡ và sau đó xắn tay rất nhanh vào xây dựng đền thờ, bảo tàng Bác Hồ. Ông tâm sự: “Từ năm 1994 nghỉ hưu, tôi có thời gian tìm kiếm tư liệu, xây dựng thành công bảo tàng Uống nước nhớ nguồn, là địa chỉ để người địa phương cũng như khách thập phương đến tham quan. Từ đó đến nay đã trải qua biết bao khó khăn. Rất nhiều điều tôi không thể lường trước, bởi để lập một bảo tàng đâu chỉ có ý chí mà cần có nguồn lực cũng như sức khỏe”. Bà Bùi Thị Dược, trú cùng thôn Phước Điền cho biết, ông Phước có hiểu biết về bảo tàng và hơn thế ông có một tình yêu đặc biệt đối với Bác, với ngành, nên đã gắng gỏi đi tìm tư liệu. Mỗi lần đến bảo tàng Uống nước nhớ nguồn, chúng tôi luôn có cảm giác trang nghiêm và rất đỗi tự hào.

Cũng phải khẳng định, mục đích của ông đâu chỉ xây dựng một khu bảo tàng nhỏ để thể hiện lòng kính yêu đối với Bác, mà qua đây muốn nơi đó phải là “địa chỉ đỏ”, qua những hiện vật, muốn đem đến cho bà con quê hương vốn hiểu biết về con đường Bác Hồ đã chọn để giải phóng đất nước. Từ đó thêm tự hào, biết ơn thế hệ cha ông thuở trước và rèn luyện bản thân, sống có ích cho xã hội.

Khuôn viên bảo tàng.

Việc làm lớn, ý nghĩa cũng lớn

Trước mặt tôi là ông lão mái tóc bạc phơ, nhưng vẫn không nguôi nói về những kế hoạch hoàn thiện hơn khu bảo tàng. Ông cũng không quên kể về những khó khăn, khi thiếu tiền phải vay mượn khắp nơi. Có lần ông Phước bán chiếc xe máy, “moi” tiền trong sổ tiết kiệm, chưa đủ, ông lại bán đất, dồn toàn bộ cho “lý tưởng”. Không ít người đã dè bỉu: “Chỉ vẽ chuyện, già rồi chẳng dành tiền mà ăn”. Vừa nâng niu những lá thư mà khách ghi cảm tưởng gửi về sau lần đến thăm bảo tàng, ông Phước thổ lộ: “Nếu cứ để tiền mà ăn thì đã không còn là tôi nữa. Tôi chẳng có nhiều nhặn gì đâu, chỉ có lòng ham thích và quyết tâm. Là cựu thành viên Sư đoàn sinh - dù - đặc công 385, tôi cũng được đọc nhiều sách về Bác và nhiều người cũng sẽ có cùng ý nghĩ với tôi là cuộc sống đâu chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp!”.

Chúng ta đều biết, bản thân mình dù chỉ làm một căn nhà cũng đã khó. Đằng này ông Phước đã làm cả một hệ thống công trình. Ông thừa nhận mình cũng chẳng “đủ lực” nếu không kiên trì. Bởi càng làm đầu càng sáng và thấy phải làm tiếp. Ban đầu ông chỉ đủ sức xây dựng phòng tư liệu, lập ban thờ Bác và xây dựng “Cây 79 mùa xuân tưới mát cho đời” (hệ thống cột nước phun hình hoa sen). Trong thời gian này, ông tiếp tục dồn lực xây dựng tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên vườn hoa. Một thời gian sau, ông tự nhận thấy các công trình như vậy vẫn chưa đủ để trưng bày hiện vật và thể hiện được hết công lao to lớn của Bác đối với đất nước. Ý nghĩ này đưa ông tới quyết tâm dựng đền thờ, công trình lớn nhất nằm ở trung tâm khu vườn, trong đó, trong đặt nhiều tủ kính trưng bày hiện vật. Ông Phước thổ lộ: “Các chi tiết từ cổng, hàng rào tôi đều cố gắng làm theo một ý nghĩa ẩn dụ cho một giai đoạn lịch sử”. Ông Phước nêu nguyện vọng: “Những bài học về tấm gương của Bác luôn tỏa sáng trong tâm hồn tôi, rồi lại tỏa sáng trong lòng các con tôi. Tôi ước muốn tinh thần ấy tỏa sáng đến nhiều người”.

Giờ ông Phước có rất nhiều niềm vui, bởi khách thập phương đến thăm ngày một đông, ngay cả một số trường học trong khu vực cũng đưa học sinh đến thắp hương và coi “bảo tàng ông Phước” là địa chỉ cho một số tiết học ngoại khóa. Bà Đặng Kim Giao, nhà giáo nghỉ hưu xã Phước Đồng tâm sự: “Với hơn 120 hiện vật quý tại bảo tàng, thật sự là những giáo cụ sinh động giúp các em học sinh hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn. Ông Phước sống mộc mạc lắm, với chúng tôi ông ấy cũng là một “giáo cụ” sinh động cho người khác học tập. Việc làm của ông lớn và ý nghĩa cũng hết sức lớn lao”.

Trong dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, ông Phước cùng các đồng đội tổ chức nhiều buổi giao lưu văn nghệ cho bà con và học sinh, ôn lại những kỷ niệm và nhắc nhớ về tấm gương Bác Hồ. Với những hoạt động thiết thực ấy, ông Phước đã nhân lên lòng biết ơn, nhớ nguồn cội và lòng tự hào dân tộc.

Bài, ảnh: Ngô Thục Miên

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: