Bạn biết gì về lao phúc mạc?

30-11-2018 13:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Phúc mạc là một màng mỏng bao phủ bên trong cơ thể và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Lao phúc mạc là bệnh dễ gặp trong bệnh lao các cơ quan tiêu hóa.

Lao phúc mạc chủ yếu ở những người trẻ tuổi, hiếm gặp ở người già. Vi khuẩn lao vào các cơ quan tiêu hóa qua đường máu, đường bạch mạch hoặc do nuốt phải đờm có vi khuẩn lao, do sự lan truyền trực tiếp từ các tổn thương lao của các cơ quan bên cạnh.

Biến chuyển giải phẫu bệnh học bệnh nhân lao phúc mạc như sau: lúc đầu ở phúc mạc có những hạt nhỏ do vi khuẩn lao gây ra cùng với phản ứng xuất tiết nước của phúc mạc. Dần dần, các hạt nhỏ đó sẽ bã đậu hóa và ngạnh kết hóa. Do đó, trên lâm sàng, ta có thể gặp 3 hình thái của bệnh: thể cổ trướng, thể bã đậu, thể ngạnh kết hóa.

Triệu chứng lâm sàng

Thể cổ trướng: Người bệnh có thể sốt cao 39-40oC và thường sốt cao về buổi chiều hoặc có thể gặp bệnh nhân sốt nhẹ về chiều từ 37-38oC, thậm chí có bệnh nhân không nhận ra là đã có sốt. Người bệnh ăn uống kém, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn. Người mệt mỏi, gầy sút. Đau bụng âm ỉ, vị trí không rõ ràng. Đi ngoài phân lúc lỏng, lúc táo bón. Thăm khám trên lâm sàng cho thấy người bệnh có thể có hạch nhỏ mềm di động, không đau ở dọc cơ ức - đòn chùm, nếu có hạch cần kiểm tra hạch xem có lao hạch phối hợp không.

Khi khám bụng phát hiện có cổ trướng, lúc đầu nước ít, thường cổ trướng tự do khối lượng không nhiều lắm (tuy nhiên cá biệt cũng có bệnh nhân cổ trướng to, có thể rút ra 2-3 lít nước). Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh cần thăm khám tất cả các bộ phận khác để phát hiện tổn thương lao phối hợp, đặc biệt chú ý khám phế mạc, có thể tràn dịch phế mạc. Nước dịch hoàn toàn giống nước dịch ở màng bụng, lao phổi phối hợp.

Trong một số trường hợp nặng có thể gặp tổn thương lao ở màng bụng, màng phổi, màng tim, màng não gọi là lao đa màng, tiên lượng xấu, điều trị rất khó khăn. Ngoài ra, cần thăm khám một số bộ phận liên quan trong ổ bụng như: thực quản, ruột non, ruột kết để tìm các tổn thương lao có thể gặp do lan truyền trực tiếp.

Khi thăm khám bệnh nhân lao thể cổ trướng cần phân biệt với xơ gan cổ trướng, u nang buồng trứng.

Thể bã đậu hóa: Là trường hợp phúc mạc có từng vùng dính thành từng mảng cứng, trong các mảng cứng đó có dính với mạc nối lớn và với các quai ruột.

Triệu chứng toàn thân giống triệu chứng của thể cổ trướng. Nhưng ở thể này thường gặp bệnh nhân sốt nhẹ về chiều hoặc không rõ sốt. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ hơn, thường đau bụng, trướng hơi, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng màu vàng.

Ở thể này đôi khi có vùng dính cứng lớn với các vị trí đặc biệt như hạ sườn phải hoặc vùng hạ vị, làm ta dễ nhầm lẫn với gan to hoặc khối u trong ổ bụng. Thể bã đậu hóa cần phân biệt với khối dính - hoặc khối hạch trong ổ bụng do lymphosarcom, khối u trong ổ bụng.

Thể ngạnh kết hóa: Rất hiếm gặp. Đây là tình trạng xơ dính toàn bộ phúc mạc với tạng bên trong của ổ bụng. Biểu hiện bằng các triệu chứng tắc ruột và bán tắc ruột.

Thăm khám bụng thấy bụng cứng lõm, khi sờ khó xác định các tạng trong ổ bụng, chỉ thấy các khối cứng dài, nằm ngang như những sợi thừng do mạc nối lớn bị xơ cứng lại. Thể này thường biến chuyển nặng dễ dẫn đến tử vong, ngày nay thể này hầu như không gặp trên lâm sàng, có thể do bệnh ngày càng được phát hiện sớm.

Tiến triển của bệnh lao phúc mạc

Thể cổ trướng là thể nhẹ nhất, nếu không được điều trị sẽ chuyển sang thể bã đậu hóa và ngạnh kết hóa. Tuy nhiên, thực tế lâm sàng thể cổ trướng đôi khi diễn biến rất nhanh lúc người bệnh đến khám thầy thuốc đã là thể bã đậu hóa, thậm chí có trường hợp người ta thấy bệnh xuất hiện ở thể bã đậu hóa hoặc ngạnh kết hóa. Thể bã đậu có thể gây những ổ áp-xe vỡ ra ổ bụng tạo thành đường rò mủ ra thành bụng hoặc rò phân ra ngoài, làm cho chẩn đoán và điều trị thêm nhiều phức tạp.

Ở một số trường hợp lao phúc mạc, do hiện tượng xơ dính với các quai ruột nên có thể gây thắt ruột biểu hiện bằng hội chứng bán tắc ruột hoặc tắc ruột phải can thiệp bằng ngoại khoa.

Điều trị

Thông thường dùng thuốc diệt trực khuẩn lao, nhưng khi dùng thuốc phải lưu ý tới tác dụng phụ để kịp thời điều chỉnh. Nếu có các biến chứng như tắc ruột, dính ruột thì phải nhờ sự can thiệp của ngoại khoa. Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh được ăn uống ở chế độ đặc biệt như ăn nhiều chất đạm, bổ sung vitamin và hạn chế ăn tinh bột.


BS. Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn