Dụng cụ tử cung thường gọi là vòng tránh thai (VTT) là một biện pháp tránh thai lâm sàng được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như trong nước. Có rất nhiều loại VTT và ngày càng được cải tiến để thích hợp cho mục đích tránh thai, đồng thời giảm những tác dụng không mong muốn do vòng gây ra. Gần đây, người ta đã sử dụng một loại VTT mới, có tên vòng tránh thai Mirena.
Vậy VTT Mirena là gì?
Năm 1990, VTT Mirena, loại dụng cụ tử cung giải phóng ra progestin là levonogestrel (LNG) lần đầu tiên được sử dụng tại Phần Lan và năm 2000, Cơ quan Thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ cho phép sử dụng cho phụ nữ cả nước. Nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trong 5 năm đã khẳng định rằng: liều LNG giải phóng hằng ngày 20microgam cũng có hiệu quả như 30 microgam. VTT Mirena sử dụng thời gian dài có nhiều lợi ích đặc biệt là làm giảm tỷ lệ chửa ngoài tử cung. Cho đến tháng 6/2008, trên thế giới đã có tới hơn 12,5 triệu phụ nữ áp dụng biện pháp tránh thai bằng vòng Mirena và cũng tính tới tháng 3/2008 đã có 1.579 nghiên cứu về VTT Mirena và có 122 nước sử dụng vòng Mirena để tránh thai. 115 nước sử dụng vòng Mirena để giảm chảy máu khi hành kinh và 106 nước sử dụng VTT Mirena như một trong những phương pháp điều trị hormon thay thế.
Cơ chế tránh thai chung của các loại dụng cụ tử cung có tẩm progestin là chiếm chỗ làm tổ của thai trong buồng tử cung, làm thay đổi nội mạc cũng như môi trường trong buồng tử cung làm khó khăn cho sự làm tổ của phôi và phôi bị tống ra ngoài sớm nếu như đã có sự thụ thai. Các hormon tẩm trong VTT ngoài tác dụng làm nội mạc buồng tử cung phát triển kém còn có tác dụng làm quánh chất nhầy ở cổ tử cung làm cho tinh trùng khó xâm nhập vào buồng tử cung. Mặt khác, hormon này cũng góp phần làm ức chế sự phóng noãn. Tất cả các tác dụng trên là làm cho người phụ nữ không có thai ngoài ý muốn.
Hiệu quả tránh thai của vòng Mirena như thế nào?
Nhiều nghiên cứu có hoặc không so sánh đều thấy rằng: Tính chỉ số Pearl (số người có thai/100 người sử dụng/năm) là 0,16. Tỷ lệ có thai trong năm đầu sử dụng (nghĩa là tổng các trường hợp có thai xảy ra trên tổng số phụ nữ đặt vòng Mirena ở năm đầu tiên là 0-0,2%. Tỷ lệ có thai lũy tiến trong 5 năm (nghĩa là số người có thai trên tổng số người đặt vòng Mirena trong 5 năm) là 0,5 - 1,1%, như vậy hiệu quả tránh thai của vòng Mirena rất cao. Nghiên cứu về khả năng có thai trở lại sau khi tháo Mirena, người ta đã thấy chức năng của buồng trứng trở lại bình thường biểu hiện là chu kỳ kinh nguyệt trở lại ngay sau khi ngừng sử dụng. Lớp nội mạc tử cung đã hồi phục nhanh chóng và kinh nguyệt trở lại ngay sau 30 ngày tháo vòng Mirena, vì vậy không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tỷ lệ có thai cộng dồn trong 12 tháng sau khi ngừng sử dụng Mirena là 79 – 96/100 người sử dụng và quá trình thai nghén phát triển bình thường.
Những tác dụng khác của vòng Mirena
Do tác dụng của Levonogestrel được giải phóng hằng ngày làm cho nội mạc tử cung giảm đáp ứng với estrogen, vì vậy giảm số ngày hành kinh và giảm cả số lượng máu bị mất trong mỗi kỳ hành kinh. Giảm số lượng máu mất và số ngày hành kinh ngắn không chỉ ngăn ngừa thiếu máu mà nhiều khi do mất máu nhiều khi hành kinh phải cắt bỏ tử cung, giúp cải thiện và làm cho cuộc sống có chất lượng hơn. Các nghiên cứu cũng thấy rằng, vòng Mirena làm giảm những triệu chứng của hội chứng trước hành kinh là luôn làm cho người phụ nữ bị bứt rứt, khó chịu vài ngày trước khi hành kinh. Mặt khác, ngoài tác dụng làm giảm tỷ lệ có thai ngoài tử cung, vòng Mirena còn được sử dụng để điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung và đặc biệt là có thể được sử dụng để điều trị các trường hợp tiền ung thư nội mạc tử cung trong giai đoạn trước hoặc sau mãn kinh. Vòng Mirena cũng có tác dụng hạn chế việc tăng mỡ máu, vì vậy làm giảm tỷ lệ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm tắc hoặc gây huyết khối tĩnh mạch. Vòng Mirena không ảnh hưởng đến thể trọng cũng như huyết áp.
Tuy giá ban đầu hơi cao khoảng 2.800.000 đồng nhưng tác dụng kéo dài trong 5 năm với những ưu điểm như trên thì VTT Mirena rất rẻ và là một lựa chọn rất tốt cho phụ nữ.
Thời điểm đặt VTT có thể bất kỳ khi nào miễn là bảo đảm không có thai, tuy nhiên thông thường đặt những ngày cuối khi hành kinh vì lúc này cổ tử cung còn hé mở sẽ dễ đặt hơn. Cũng có thể đặt ngay sau khi hút thai ở quý đầu, nhưng cũng phải có kinh nghiệm vì khi đặt VTT sau phá thai có thể làm huyết ra kéo dài hơn dễ nhầm lẫn với sót rau hoặc rối loạn nội tiết. Đối với những người sau sinh thì có thể đặt ngay từ tuần thứ 7 nghĩa là hết thời kỳ hậu sản sẽ bảo đảm tránh thai mà không ảnh hưởng đến sự tiết sữa nên không ảnh hưởng đến nhũ nhi.
Thời gian tác dụng của VTT là 5 năm. Theo dõi VTT Mirena cũng giống như các loại vòng tránh thai khác.