Hà Nội

Bạn biết gì về dị ứng tinh dịch?

24-10-2015 18:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dị ứng tinh dịch xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể phụ nữ (hoặc nam) phản ứng quá mức với các thành phần trong tinh dịch khi quan hệ tình dục.

Dị ứng tinh dịch xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể phụ nữ (hoặc nam) phản ứng quá mức với các thành phần trong tinh dịch khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân là do tế bào bạch cầu của cơ thể người đã nhầm lẫn protein trong tinh dịch với những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và tấn công chúng. Một nghiên cứu cho biết: có khoảng 12% dân số bị dị ứng với tinh trùng.

Ai dễ bị dị ứng tinh dịch?

Nguyên nhân gây dị ứng tinh dịch đến nay vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên người ta đã biết có sự liên hệ mang tính di truyền theo huyết thống chứng bệnh này.

Có một số nam giới bị dị ứng với tinh dịch của chính mình khi tinh dịch xâm nhập vào máu vì một lý do nào đó (như chấn thương, phẫu thuật hoặc nhiễm khuẩn. Những người bị dị ứng này có phản ứng với tinh dịch nói chung chứ không của riêng một người nào. Nhóm nghiên cứu của Hà Lan, năm 2011 đã ghi nhận 45 người đàn ông bị dị ứng như vậy.

Những người là “đối tác” quan hệ tình dục với người có tinh dịch gây dị ứng gồm: bạn gái, vợ, bạn đồng tính luyến ái nam, người tiếp xúc với tinh dịch.

Dấu hiệu dị ứng tinh dịch là gì?

Các triệu chứng dị ứng tinh dịch ở nam giới: một người bị dị ứng tinh dịch, sau khi tiếp xúc trực tiếp vơi stinh dịch sẽ có biểu hiện giống như bị cúm, đau, tấy đỏ, nhức đầu, ngứa mắt, mũi, cổ họng, đau mỏi cơ bắp, mệt mỏi cùng cực và khó tập trung.

Triệu chứng ở nữ giới: sau khi tiếp xúc với tinh trùng, ở mức độ nhẹ có dấu hiệu bị kích ứng, ngứa ngáy, đau khi đi tiểu, có biểu hiện bệnh chàm eczema. Các biểu hiện dị ứng thường xuất hiện trong vòng 20-30 phút sau khi tiếp xúc với tinh dịch và có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày. Trường hợp dị ứng nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong do sốc phản vệ. Chú ý rằng: các dấu hiệu dị ứng tinh dịch đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc những bệnh khác. Vì vậy, những trường hợp nghi ngờ dị ứng với tinh dịch cần đến các cơ sở chuyên khoa dị ứng để tiến hành làm các test chẩn đoán trên da để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Một nghiên cứu cho biết: phụ nữ từ 20 - 30 tuổi được cho là bị ảnh hưởng nặng nhất có thể có các triệu chứng như sốc phản vệ chỉ 1 giờ sau khi tiếp xúc với tinh trùng. Tiến sĩ Michael Carroll, giảng viên tại Đại học Manchester Metropolitan thì nghi ngờ rằng: số người bị chứng dị ứng này có thể còn nhiều hơn vì rất nhiều người trong số họ ngại ngần không đi khám và cũng không biết mình bị dị ứng với tinh dịch.

Có một câu chuyện xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo: Bà Marie Cuthbertson 50 tuổi, đã tìm đến bác sĩ để khám chứng dị ứng sau khi quan hệ với chồng vào độ tuổi 30. Các bác sĩ cho rằng chồng bà có thể đã không chung thủy và cho bà dùng kháng sinh để trị các chứng bệnh lây qua đường tình dục. Bà nói: “Tất cả các bác sĩ đều bác bỏ khả năng tôi bị phản ứng tự nhiên, nghĩa là có triệu chứng như bị dị ứng. Họ không cho rằng có là vấn đề nội tại”. Tuy nhiên, sau nhiều liệu pháp chữa trị, những cơn đau của bà ngày càng tăng thêm chứ không thuyên giảm. Triệu chứng sưng viêm, đau nhức xuất hiện chỉ vài giờ sau khi quan hệ. Marie chắc chắn rằng vấn đề của bà không phải do viêm nhiễm. Sau 10 năm chịu đựng, Marie được chuyển tới một phòng khám tiết niệu, các bác sĩ cho biết bà bị dị ứng với tinh dịch của chồng và bao cao su là giải pháp duy nhất giúp bà thoát khỏi tình trạng này.

Dị ứng tinh dịch có gây vô sinh không?

Một vài nghiên cứu cho biết: dị ứng tinh dịch có thể dẫn đến vô sinh tạm thời do các tế bào bạch cầu tấn công và ngăn chặn tinh trùng tiếp xúc với trứng của người phụ nữ. Ước tính, tỷ lệ dị ứng với tinh dịch ở những cặp vợ chồng sinh sản bình thường là dưới 2% so với tỷ lệ này là 5-25% ở các cặp vợ chồng bị hiếm muộn.

Tuy nhiên điều này không phải quá lo lắng, vì dù có khó khăn nhưng những người bị dị ứng tinh dịch vẫn có thể có con bình thường nếu được điều trị giảm mẫn cảm thành công. Liệu pháp điều trị được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiếp xúc với một số lượng tinh dịch tăng dần để cơ thể có thể quen dần và dung nạp được với tinh dịch. Đối với những người giảm mẫn cảm không thành công, thì họ vẫn có thể có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh ngoài cơ thể.

ThS. Nguyễn Hoàng Lan


Ý kiến của bạn