Bạn biết gì về các ca cấp cứu phình động mạch chủ bụng?

29-06-2020 21:01 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sáng 29/6/2020, tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống 3 bệnh nhân rất nguy kịch do vỡ túi phình động mạch chủ bụng trong đó có một trường hợp rất hiếm gặp.

Ông Trần Văn Hai, 62 tuổi ở Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhập viện 15/6/2020. Cùng ngày nhập viện, ông Hai đột ngột đau bụng dữ dội và được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Kết quả Chụp CT Scan bụng – có cản quang cho thấy, phình động mạch chủ bụng dưới thận vỡ vào khoang sau phúc mạc có dấu hiệu dò vào tĩnh mạch chủ dưới.

Bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm trước phẫu thuật: Lupus ban đỏ; gút mạn tính, di chứng nhồi máu não. Ê kíp phẫu thật gồm: BS.CKII Trầm Công Chất – Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu; ThS.BS. Trần Thanh Bình.

Hình ảnh CT Scan vỡ động mạch chủ bụng

Quá trình phẫu thuật diễn ra rất khó khăn do tá tràng, mạc treo ruột dính lên túi phình, gỡ dính khó, mô xung quanh viêm dính và nhiễm trùng tạo một túi mủ xung quanh túi phình. Bệnh nhân được đặt ống ghép chữ Y (nối kiểu chủ bụng- chậu chung hai bên), đồng thời khâu lại tĩnh mạch chủ dưới (chỗ dò). Đây là một trường hợp rất hiếm gặp và đa phần được chẩn đoán sau khi phẫu thuật.

Trường hợp thứ 2, ông Nguyễn Hoàng Liên, 67 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, vào viện khám với  chẩn đoán: Phình động mạch chủ bụng dưới thận; Tăng huyết áp; Đái tháo đường týp 2 và được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ vào ngày 16/6/2020.

Chụp CT Scan bụng có cản quang phát hiện: Phình động mạch chủ bụng vỡ ra sau phúc mạc đoạn dưới động mạch thận, kích thước 95x 102 mm. Ê kíp do ThS.BS. Liêu Vĩnh Đạt – Phó Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu thực hiện phẫu thuật cấp cứu thành công.

Hình ảnh phình động mạch chủ bụng qua chụp phim CT Scan

Trường hợp thứ 3, Ông Văn Sơn, 54 tuổi, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ngày 21/6/2020, bệnh nhân đau hông trái trái nhiều và đến khám tại bệnh viện ngoài công lập với chẩn đoán: Phình bóc tách động mạch chủ bụng đoạn trước chổ chia động mạch chậu có huyết khối dọa vỡ và được chuyển lên TP.HCM điều trị.

Trên đường chuyển viện, ông Sơn đột ngột đau hông trái dữ dội, mệt nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: Phình động mạch chủ bụng dưới thận vỡ vào khoang sau phúc mạc. Ngay lập tức ông Sơn có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Ê kíp do ThS.BS. Liêu Vĩnh Đạt; BS. Trương Bỉnh Khang và BS. Trương Minh Thương – Khoa Lồng ngực Mạch máu, sau gần 4 giờ đã phẫu thuật thành công  túi phình động mạch chủ bụng vỡ.

Sáng 29/6/2020 bệnh nhân đã ổn định và sẽ được ra viện tới đây

Đến sáng nay, 29/6/2020, cả 3 bệnh nhân đều ổn định, dự kiến ra viện trong ngày 30/6 và  01/7/2020.

Theo BS.CKII Trầm Công Chất - Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Phình động mạch chủ bụng là bệnh lý giãn khu trú bất thường của động mạch chủ (ĐMC) ở đoạn bụng, bao gồm một hay nhiều đoạn. Tỷ lệ tử vong do vỡ phình rất cao: 25% tử vong trước khi đến được bệnh viện và 51% tử vong trong bệnh viện mà chưa kịp làm phẫu thuật.

Phình động mạch chủ bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp vi tính. Vỡ phình động mạch chủ bụng là bệnh lý đe dọa tính mạng và phải xử trí ngay lập tức.

Nguyên nhân chính xác gây phình động mạch chủ bụng không được biết rõ, các yếu tố nguy cơ và điều kiện thuận lợi cho việc hình thành phình động mạch chủ bụng là: Hút thuốc lá, tuổi tác, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch.

Giới tính và yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành phình động mạch chủ. Động mạch chủ bụng dưới thận chịu ảnh hưởng của quá trình vữa xơ động mạch nhiều nhất và là vị trí hay gặp của phình động mạch chủ bụng.

Phình động mạch chủ bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, vì thế việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn để có thể phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ bụng hay những người trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc lá hay tăng huyết áp.

Khi phát hiện có phình động mạch chủ bụng thì quan trọng nhất là theo dõi tốc độ thay đổi kích thước túi phình để có quyết định điều trị can thiệp kịp thời tránh khối phình vỡ sẽ dẫn đến tử vong.

Do bệnh có liên quan đến xơ vữa động mạch và tăng huyết áp, nên các phương thức phòng ngừa và điều trị hai yếu tố trên được coi là biện pháp phòng tránh bệnh chủ yếu.

Phòng bệnh cần nên hạn chế ăn mỡ, điều chỉnh rối loạn lipid máu, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt huyết áp, điều chỉnh đường huyết, không hút thuốc lá ...

Ở người cao tuổi cần cảnh giác với các khối u đập theo nhịp mạch ở vùng bụng và đến khám sớm để có thể theo dõi và điều trị kịp thời.

 


Phạm Phong
Ý kiến của bạn