Bạn biết gì về bệnh rối loạn phân ly?

20-12-2017 08:01 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rối loạn phân ly (rối loạn thần kinh chức năng, hysteria, điên tình...) là một rối loạn phổ biến nhất trong các rối loạn dạng cơ thể, nó chiếm tỉ lệ khoảng 11- 300/100.000 dân số nói chung.

Rối loạn phân ly (rối loạn thần kinh chức năng, hysteria, điên tình...) là một rối loạn phổ biến nhất trong các rối loạn dạng cơ thể, nó chiếm tỉ lệ khoảng 11- 300/100.000 dân số nói chung. Bệnh liên quan đến những triệu chứng không rõ nguyên nhân, ảnh hưởng đến các hoạt động tự chủ hay chức năng cảm giác mà nó gợi ý đến một bệnh thần kinh hay bệnh nội khoa. Khởi phát của nó thường được bắt đầu bằng một sự kiện căng thẳng.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Trước đây được cho là bệnh của phụ nữ (bệnh tử cung), sau này người ta thấy rằng nam giới cũng bị bệnh lý này. Tuy nhiên, bệnh xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam. Những người trong tiền sử gia đình có người bị rối loạn phân ly sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Bệnh hiếm khi khởi phát trước 10 tuổi và sau 35 tuổi. Khi xuất hiện ở tuổi muộn hơn, khả năng bệnh nhân có một bệnh thần kinh hoặc bệnh nội khoa nào đó sẽ tăng lên.

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng thường không theo sơ đồ giải phẫu đã được biết đến mà nó dựa trên tưởng tượng của bệnh nhân về tình trạng bệnh của họ. Lâm sàng biểu hiện từng cơn như ngất, rối loạn vận động như co giật, liệt, rối loạn cảm giác như tê bì, mất cảm giác, rối loạn các giác quan như mù, điếc... có tính chất biểu diễn. Các triệu chứng này không do bệnh nhân cố ý tạo ra hay giả vờ. Đôi khi bệnh lý này có thể “lây lan”, học sinh một số trường học đồng loạt bị ngất... các rối loạn này không do một tổn thương cơ thể hoặc một chất gây ra. Quá trình bị bệnh thường có giới hạn, nhưng triệu chứng có thể tái phát và trở nên mạn tính hơn. Trong một số trường hợp, rối loạn phân ly có thể có trước một bệnh nội khoa.Khám và tư vấn điều trị cho người bệnh.

Khám và tư vấn điều trị cho người bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phân ly  theo Hội Tâm thần học Mỹ (1994)

- Một hoặc nhiều triệu chứng hay thiếu sót ảnh hưởng đến hoạt động tự chủ hoặc chức năng thần kinh mà gợi ý đến một bệnh thần kinh hay bệnh nội khoa.

- Các yếu tố tâm lý được cho là có liên quan đến triệu chứng hay thiếu sót này vì các xung đột hay căng thẳng thường xuất hiện trước khi khởi phát hoặc nặng thêm các triệu chứng hay thiếu sót đó.

- Các triệu chứng hay thiếu sót không do bệnh nhân cố ý tạo ra hay giả vờ (như trong rối loạn giả tạo hay giả bệnh).

- Sau khi đã kiểm tra kỹ, các triệu chứng hay thiếu sót không thể giải thích đầy đủ bởi các bệnh nội khoa hay do hậu quả trực tiếp của một chất hoặc một hành vi hay nhận thức được văn hóa cho phép.

- Các triệu chứng hay thiếu sót gây suy giảm đáng kể về mặt lâm sàng hoặc suy giảm chức năng nghề nghiệp, xã hội hoặc các lĩnh vực quan trọng khác  hoặc sự đảm bảo đánh giá về y tế.

- Các triệu chứng hay thiếu sót không bị giới hạn bởi đau hay rối loạn chức năng tình dục, không xuất hiện độc lập trong quá trình bị bệnh rối loạn phân ly và nó không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần khác.

Chăm sóc và điều trị

Bắt buộc phải thực hiện khám nội khoa và thần kinh toàn diện, bởi vì 25-50% những bệnh nhân này sẽ tiếp tục phát triển một bệnh nội khoa hoặc thần kinh.Bệnh nhân có thể rất nhạy cảm với ám thị, chẳng hạn nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý cho bệnh nhân “bị mù” có thể có hiệu quả. Không cần thiết phải đối chất với bệnh nhân về tính xác thực của các triệu chứng vì nó chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Điều trị bằng tâm lý liệu pháp là một phương pháp được khuyến cáo sử dụng hoặc đôi khi cần sử dụng thuốc chống trầm cảm, bình thần, vitamin.


PGS.BS. Minh Đức
Ý kiến của bạn