Phổi biệt lập là một rối loạn phát triển thời kỳ bào thai dẫn đến hình thành một khối kén mô phổi không có chức năng, khối này được nuôi dưỡng bởi một động mạch bất thường.
Có hai loại phổi biệt lập: trong thùy chiếm khoảng 75% và ngoài thùy chiếm khoảng 25%.
Phổi biệt lập trong thùy: được giới hạn trong nhu mô phổi bình thường, hay gặp ở vị trí phân thùy đáy sau của thùy dưới cạnh cột sống cũng có thể lan tới các phân thùy phổi liền kề và không có màng phổi riêng bao bọc. Khối kén mô phổi này không có chức năng, được nuôi dưỡng bởi một động mạch hệ thống bất thường xuất phát từ động mạch chủ bụng. Tĩnh mạch hồi lưu đổ về nhĩ trái qua hệ tĩnh mạch phổi. Tổn thương do mắc phải, có thể do tắc nghẽn phế quản và viêm phổi sau tắc nghẽn mạn tính.
Phổi biệt lập ngoài thùy: là tổn thương kiểu thùy phổi phụ được bao bọc bởi màng phổi riêng. Có sự phân chia hoàn toàn giữa tổn thương và nhu mô phổi xung quanh. Vị trí tổn thương có thể nằm giữa thùy dưới và vòm hoành bên trái (90% số trường hợp) hoặc phần trên của bụng. Tổn thương ở phổi trái gặp nhiều hơn phổi phải, có khi tiếp giáp với thực quản và có thể có đường rò. Khối mô phổi biệt lập được cấp máu bởi động mạch bất thường, thường là động mạch lạc chỗ xuất phát từ động mạch chủ ngực.
Thể bệnh này cũng thường đi kèm với các bất thường khác của cơ thể như thoát vị hoành bẩm sinh bệnh tim bẩm sinh, bất thường cột sống... Do khối kén mô phổi được bao bọc bởi màng phổi riêng, vì vậy ít xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn, hầu như chỉ biểu hiện là một khối mô mềm thuần nhất. Bệnh có thể chẩn đoán được trước sinh bằng siêu âm.
Trên phim chụp Xquang, biểu hiện điển hình của phổi biệt lập là đám mờ khu trú ở thùy đáy sau của phổi, gặp ở bên trái nhiều hơn bên phải. Phổi biệt lập trong thùy thường ở trên vòm hoành, là một đám mờ thuần nhất hình tròn hoặc bờ có nhiều thùy múi giống một khối ở trong nhu mô phổi, có thể chứa khí ở trong, ranh giới không rõ, hình ảnh giống viêm phổi hoặc áp-xe phổi, hiếm khi gặp hình ảnh mức nước hơi trong tổn thương ngoại trừ một số trường hợp có lỗ rò giữa tổn thương và phế quản liền kề. Phổi biệt lập ngoài thùy biểu hiện là khối tỷ trọng thuần nhất, bờ được xác định rõ bởi có màng phổi riêng bao bọc, có thể xuất hiện ở một số vị trí khác như màng ngoài tim, trung thất, vòm hoành, khoang sau phúc mạc.
Phương pháp điều trị
Điều trị phổi biệt lập trong thùy nói riêng và phổi biệt lập nói chung thì phương pháp điều trị phẫu thuật cắt bỏ phổi biệt lập là phương pháp duy nhất và triệt để nhất.
Nguyên tắc phẫu thuật cắt bỏ phổi biệt lập trong thùy: cắt bỏ tổ chức phổi biệt lập cùng với thùy mà phổi biệt lập nằm trong đó. Người ta có thể cắt riêng tổ chức phổi biệt lập mà vẫn giữ lại tổ chức phổi lành xung quanh, nhất là trong trường hợp tổ chức phổi biệt lập chưa có nhiễm khuẩn. Phải cắt cả phổi biệt lập lẫn thùy phổi chứa phổi biệt lập khi phổi biệt lập đã bị nhiễm khuẩn lan ra xung quanh phần thùy phổi khác.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh phổi biệt lập thường chỉ có các triệu chứng không đặc hiệu như ho, ho ra máu, đau ngực, vì vậy, bệnh nhân cần phối hợp tốt với thầy thuốc thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để phát hiện sự hiện diện của động mạch nuôi khối kén mô phổi là chẩn đoán xác định bệnh. Khi đã phát hiện được bệnh thì cần mổ sớm để tránh nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến các vùng phổi bình thường vì có thể phải cắt bỏ cả phần phổi lành bị viêm nhiễm này.
BS. Đinh Lan Anh