Cúm là do virut cúm gây ra và chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp. Cúm dạ dày thường do virut tấn công đường ruột gây ra với bệnh cảnh viêm và rối loạn dạ dày ruột. Cúm dạ dày cũng có thể được gây ra bởi vi khuẩn, thực phẩm hư hỏng hoặc bị ô nhiễm, tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân và triệu chứng cúm dạ dày
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cúm dạ dày là do norovirus. Mặc dù nhiều loại virut và vi khuẩn khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự, norovirus là loại virut gây bệnh phổ biến nhất. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm norovirus - thời gian giữa phơi nhiễm và bắt đầu có triệu chứng bệnh cúm thường là 12 - 48 giờ. Các triệu chứng thường kéo dài 1-3 ngày. Tuy nhiên, tiêu chảy có thể kéo dài đến 10 ngày ở một số người.
Người bị nhiễm norovirus là do ăn thức ăn bị nhiễm norovirus - thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín, trái cây tươi và rau quả. Người bị nhiễm norovirus cũng có thể do chạm vào các đồ vật hoặc bề mặt nhiễm virut, sau đó chạm vào mắt, mũi và miệng của mình. Có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm norovirus như thức ăn chế biến mất vệ sinh, tiếp xúc với nguồn lây, tiếp xúc với người bị nhiễm norovirus.
Triệu chứng phổ biến của bệnh là nôn và tiêu chảy, ngoài ra, có những triệu chứng khác có thể đi cùng như sốt, buồn nôn, đau bụng và mệt mỏi.
Nôn ói và mất nước là biến chứng thường gặp của cúm dạ dày.
Xử trí cúm dạ dày
Norovirus giống như các loại virut khác, không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Ở những người khỏe mạnh, bệnh tự hết trong vòng một vài ngày. Hầu hết trường hợp virut không gây ra bất kỳ vấn đề gì nghiêm trọng. Điều trị thường không cần thiết trong bệnh cúm dạ dày, chỉ khi bị mất nước quá nhiều vì nôn và tiêu chảy. Trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu rất có thể bị mất nước do rối loạn dạ dày ruột. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà có thể cần kết hợp các phương pháp điều trị. Với triệu chứng nôn, có thể dùng thuốc để ngăn chặn hoặc giảm nôn. Những trường hợp bị mất nước nghiêm trọng có thể cần truyền dịch tĩnh mạch.
Cách xử trí tại nhà
Trước khi cần đến can thiệp y tế, bạn có thể xử trí tại nhà:
Khi bị nôn, không ăn hoặc uống ngay bất cứ thứ gì mà phải để dạ dày nghỉ ngơi trong khoảng 15 phút. Sau đó, uống từng ngụm nước nhỏ hoặc nước có chất điện giải như oresol, cứ sau 5 - 10 phút uống 1 lần để dạ dày không bị quá tải và không gây nôn. Sau đó, hãy từ từ tăng lượng nước uống để bù đủ nước cho cơ thể. Tránh uống nước ép trái cây và soda vào thời điểm này.
Sau khi không uống gì ngoài chất lỏng trong vài giờ, hãy thử ăn các loại thực phẩm thanh đạm, dễ tiêu hóa như bánh quy, bánh mỳ, cháo và cơm. Điều quan trọng là phải tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và cay bởi vì chúng có thể sẽ làm cho các triệu chứng cúm dạ dày tồi tệ hơn.
Nếu bị sốt, thuốc hạ sốt acetaminophen là cách tốt nhất để điều trị sốt trừ khi bạn có vấn đề về gan. Những thuốc giảm sốt khác có thể không thích hợp cho dạ dày, trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng aspirin.
Mặc dù có một số lựa chọn thuốc không kê đơn để giúp giảm đau dạ dày và tiêu chảy nhưng các thuốc này nên được sử dụng một cách thận trọng. Cụ thể, bismuth subsalicylate không nên dùng cho trẻ em vì salicylate có trong thuốc liên quan đến hội chứng Reye. Các loại thuốc để ngăn chặn tiêu chảy, chẳng hạn như loperamide, cũng không được khuyến cáo cho trẻ em.
Thật ra, tiêu chảy và nôn là hai trong số những cách cơ thể sử dụng để loại bỏ virut hoặc vi khuẩn gây bệnh ra khỏi cơ thể nhanh nhất có thể. Uống thuốc để ngăn chặn tiêu chảy và nôn không đúng lúc và chưa thật cần thiết có thể làm cho bệnh nặng hơn. Nếu bạn lo lắng về số lượng dịch trẻ nôn và tiêu chảy, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa về các lựa chọn điều trị tốt nhất.
Rửa tay là cách phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Khi nào cần điều trị?
Như đã nói ở trên, hầu hết các trường hợp cúm dạ dày không cần điều trị và sẽ tự khỏi sau vài ngày.Tuy nhiên, mất nước là biến chứng phổ biến nhất ở bệnh cúm dạ dày nên điều quan trọng là phải biết các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng và can thiệp kịp thời. Dấu hiệu mất nước có thể khác nhau ở mỗi người, ở các độ tuổi khác nhau.
Dấu hiệu mất nước ở người lớn và trẻ lớn: Đi tiểu không thường xuyên (thay đổi theo độ tuổi; đối với trẻ lớn và người lớn, thông thường không đi tiểu trong 12 giờ là có vấn đề); Khát; Nước tiểu đậm màu; Da và miệng khô; Chóng mặt; Mệt mỏi. Dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Khô miệng; Không có nước mắt khi khóc; Không có tã ướt trong hơn 3 giờ; Khó chịu/Quấy khóc quá mức; Không chơi/cười trong 4 giờ trở lên; Mắt trũng; Cấu véo da để lại nếp nhăn lâu.
Norovirus rất dễ lây và ai cũng có thể bị nhiễm. Các cách giúp ngăn chặn sự lây lan như sau: Rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi làm vệ sinh cho trẻ; Tránh các thực phẩm và nước bị ô nhiễm; Rửa trái cây và rau quả trước khi ăn; Nấu chín thức ăn, đặc biệt hải sản; Xử lý chất nôn và phân cẩn thận để tránh lây lan norovirus; Khử trùng khu vực nhiễm virut đúng hướng dẫn; Nếu công việc của bạn liên quan đến chế biến hay xử lý thực phẩm, cần tạm thời nghỉ ngay công việc tối thiểu 3 ngày cho đến khi các triệu chứng; Trẻ em bị nhiễm norovirus nên nghỉ học ở nhà; Tránh đi du lịch cho đến khi những dấu hiệu và triệu chứng đã hết hoàn toàn. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, luôn chuẩn bị sẵn các dung dịch chống mất nước và bù điện giải để uống.