Hà Nội

Bạn bị bệnh gút - Thông tin này "Good" hay "not good"?

26-01-2020 07:11 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các thông tin trên các phương tiện thông tin đang “bàn” rất nhiều đến bệnh gút (bệnh gout), một trong những bệnh lý khớp viêm liên quan đến chuyển hóa, thường gặp ở các “quý ông”, đang gia tăng nhanh và rất cần được quan tâm.

Tuy nhiên, các thông tin chung đặc biệt trên Google không phải lúc nào cũng đúng, đầy đủ và chuẩn xác. Nhân những ngày đầu năm mới, xin chia sẻ với độc giả của báo SK&ĐS cuối tuần những thông tin mới nhất về căn bệnh vẫn đang được coi là “nan y” này. Bệnh có được xếp vào các bệnh nan y không? Bệnh có những thông tin mới gì? “GOOD” hay “NOT GOOD”?

Thứ nhất: Bệnh gút là bệnh gì?

Bệnh gút là một bệnh lý khớp viêm do lắng đọng tinh thể urate tại khớp và quanh khớp, bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa purin làm gia tăng lượng acid uric trong máu. Khi lượng acid trong máu tăng cao, sẽ lắng đọng vào các mô, đặc biệt là các mô ở khớp gây viêm khớp cấp và mạn tính, nếu không điều trị sớm và đúng bệnh có thể gây tàn phế do cấu trúc của khớp bị hư hại. Tuy nhiên, các tinh thể urate không chỉ lắng đọng tại các cấu trúc khớp mà còn lắng đọng ở nhiều mô trong cơ thể, đặc biệt trong hệ thống mạch máu và thận gây ra các biến cố nặng nề khác tại các cơ quan này.

Bạn bị bệnh gút

Thứ hai: Rối loạn chuyển hóa purin và bệnh gút thường gặp ở các đối tượng nào?

Chúng ta đều biết, thách thức lớn với loại người ở thế kỷ 21 này là phải đối mặt với sự gia tăng các bệnh lý chuyển hóa mà gút và tăng acid uric máu hiện đang được coi là một trong 3 bệnh lý chuyển hóa quan trọng nhất của loài người:

- Rối loạn chuyển hóa đường, bệnh đái tháo đường và các bệnh liên quan.

- Rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh lý mạch vành tim và các bệnh liên quan.

- Rối loạn chuyển hóa purin, bệnh gút và các bệnh chuyển hóa liên quan.

Một điều không may là 3 rối loạn chuyển hóa này thường đi kèm và đan xen tạo thành hội chứng chuyển hóa: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh thận mạn, béo phì và bệnh gút....

Những năm gần đây, có sự gia tăng rất nhanh tỷ lệ tăng acid uric máu và bệnh gút, tình trạng này đã trở thành một vấn đề sức khỏe lớn, đặc biệt của người cao tuổi (NCT) liên quan đến dinh dưỡng, lối sống của xã hội công nghiệp hiện đại, lôi cuốn sự quan tâm của con người. Tình trạng này đang cùng được quan tâm cùng với các bệnh thời sự như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành và rối loạn lipid máu.

Tại Mỹ, từ năm 2011, bệnh gút được coi là một bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến cộng đồng với 8,3 triệu người bị bệnh và trên 43 triệu người có nguy cơ bị bệnh (có tăng acid uric máu).

Rối loạn chuyển hóa purin và bệnh gút thường gặp hơn ở nam giới, trước đây thường cho là bệnh đặc trưng của các “quý ông” với tỷ lệ lên tới 90%, tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ bệnh đã được san sẻ bớt cho các “quý bà” nên chỉ còn khoảng 70% ở “quý ông” và 30% ở “quý bà”. Chính vì vậy, với một người tuổi trung niên bất kỳ, khi có một trong 3 bệnh lý chuyển hóa nêu trên, cần kiểm tra xem có kèm theo 2 bệnh lý chuyển hóa còn lại hay không?

Bạn bị bệnh gútSự hình thành các tophi gây biến dạng khớp

Thứ ba: Bệnh gút diễn biến như thế nào?

Trước đây, người ta chỉ chú ý đến ảnh hưởng của bệnh trên các khớp với 4 giai đoạn:

- Tăng acid uric máu không có triệu chứng tại khớp.

- Cơn viêm khớp cấp (còn gọi là cơn gút cấp).

- Các giai đoạn yên lặng xen kẽ giữa các cơn viêm khớp cấp.

- Viêm khớp gút mạn với sự hình thành các tophi gây biến dạng khớp ở nhiều mức độ khác nhau và các biến chứng trên thận, hệ tim mạch.

Đa số người bệnh thường “tự chữa bệnh” hoặc “chữa bệnh không đúng” trong suốt 3 giai đoạn đầu (kéo dài khoảng 5 - 7 năm, có khi tới trên 10 năm) và chỉ đi gặp các bác sĩ chuyên khoa khi ở giai đoạn 4, thậm chí ở cuối của giai đoạn 4 với nhiều biến chứng tại khớp, thận, tim, mạch máu (mạch máu ngoại biên, mạch máu não và mạch vành tim), giống như hậu quả của các bệnh lý đái tháo đường hay bệnh lý mạch vành tim mà không được kiểm soát và điều trị đúng, lúc này bệnh sẽ được gọi là “nan y”.

Với các hiểu biết hiện nay, bệnh gút không diễn biến đơn giản như vậy, ngay từ giai đoạn không có triệu chứng tại khớp, các tinh thể urate đã lắng đọng tại các các tổ chức như: sụn khớp, mô mềm, nhu mô thận, mạch máu (mạch thận, mạch não, mạch vành, mạch ngoại biên...), góp phần thúc đẩy các tiến trình của bệnh gút cũng như các bệnh chuyển hóa khác tới các kết cục xấu và việc điều trị đúng, ngay từ đầu sẽ là giải pháp tốt nhất để kiểm soát bệnh. Chúng ta đã có đủ các giải pháp đó, đây là một tin tốt - GOOD - cho các bệnh nhân gút.

Gần đây, các số liệu từ dịch tễ, thực nghiệm và thử nghiệm lâm sàng còn cho thấy bệnh nhân tăng acid uric máu có tăng nguy cơ tổn thương tim, mạch máu, thận và các tai biến tim mạch. Acid uric máu cần được kiểm soát, đặc biệt ở các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao, bệnh thận mạn và hội chứng chuyển hóa.

Nhiều bằng chứng gần đây cho thấy điều trị và kiểm soát acid uric máu có thể giảm nguy cơ tim mạch và tiến triển của bệnh thận mạn hay bảo vệ tim và thận vì vậy đã có quan điểm và các chiến lược mới để kiểm soát acid uric máu nhằm giảm nguy cơ tim mạch, thận và khớp

Thứ tư: thế nào là kiểm soát acid uric và acid uric mục tiêu

Có nhiều bệnh mạn tính, chúng ta không thể chữa khỏi, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được chúng để giảm thiểu tối đa các hậu quả xấu lên sức khỏe của bệnh bằng cách đạt được những mục tiêu cụ thể trong điều trị

Để điều trị bệnh gút, chúng ta phải kiểm soát được acid uric máu, đưa mức acid uric máu về mức mục tiêu và duy trì lâu dài ở mức này, vì đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh.

Như vậy, cả 3 bệnh lý chuyển hóa quan trọng đều cùng được kiểm soát theo một nguyên tắc chung là “điều trị theo mục tiêu” (treat to target), các mục tiêu (target) cần đạt được để giảm thiểu các hậu quả xấu lên sức khỏe của bệnh là: chỉ số đường huyết và HbA1C với bệnh đái tháo đường, chỉ số LDL với bệnh mạch vành và chỉ số acid uric máu với bệnh gút.

Bạn bị bệnh gút

Thứ năm: Bệnh gút có phải là “nan y” không? Rất vui khi nói là KHÔNG

Đây cũng là món quà nhân dịp năm mới 2020, muốn chia sẻ cho những ai không may bị gút và có nguy cơ bị gút (mới bị tăng acid uric máu).

Như các bệnh mạn tính quan trọng khác, bệnh gút cần được điều trị đúng ngay từ đầu bằng cách nghiêm túc tuân thủ các chế độ điều trị.

Thứ sáu: các chế độ điều trị bệnh gút là gì, có thể thực hiện không? Có thể

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý: tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, các loại nước ngọt đóng chai hay lon, hạn chế các chất đường, bột, chất béo, phủ tạng động vật, đạm từ thịt đỏ (thay bằng đạm từ thịt trắng và cá), tránh những căng thẳng quá mức trong sinh hoạt, lao động và vui chơi giải trí, duy trì chế độ tập vận động đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe và tuổi của mình, giữ và duy trì cân nặng hợp lý

Bạn bị bệnh gút

- Chế độ thuốc phù hợp theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ, trong đó quan trọng nhất là các thuốc ức chế men xanthine oxidase (XOI) để làm giảm và kiểm soát acid uric máu.

Các hướng dẫn gần đây cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và thường gặp của các bệnh đi kèm (hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, bệnh thận...), tầm quan trọng của giáo dục cả bác sĩ và bệnh nhân để cải thiện sự tuân thủ, tầm quan trọng của xác định mục tiêu và điều trị theo mục tiêu, cũng như vai trò và sự hợp tác  bác sĩ giữa các chuyên khoa khớp, tim mạch, chuyển hóa, thận... trong điều trị bệnh gút và các bệnh liên quan.

Từ cuối năm 2017, thị trường nước ta đã có thêm một thuốc ức chế men xanthin mới, là dành cho các bệnh nhân không đạt hiệu quả điều trị, không dung nạp, hoặc dị ứng với các thuốc điều trị cũ người có suy giảm chức năng thận... Đặc biệt với người bệnh cao tuổi, thường có nhiều bệnh lý kết hợp nên tất cả các thuốc đều cần được theo dõi và điều chỉnh liều tối ưu một cách chặt chẽ để đạt được mục tiêu điều trị an toàn nhất.

Kết luận
Rối loạn chuyển hóa purine, tăng acid uric liên quan chặt chẽ với các bệnh lý tim mach, bệnh thận mạn, bệnh chuyển hóa và khớp. Bệnh gút chỉ là bề nổi của tảng băng lớn đó, các bệnh lý này đang gia tăng rất nhanh cũng với sự gia tăng tuổi thọ của con người, làm gia tăng tỷ lệ bệnh tật, tử vong, tàn phế và giảm chất lượng sống cho người mắc bệnh, đặc biệt người cao tuổi. Kiểm soát tốt acid uric máu sẽ giúp kiểm soát bệnh gút và các bệnh liên quan, bảo vệ chức năng thận, bảo vệ hệ tim mạch và bảo vệ khớp, giảm tỷ lệ tàn phế, tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với bệnh gút và đến nay bệnh gút vẫn được xếp vào nhóm bệnh có thể chữa được (curable disease).


PGS.TS.BS Lê Anh Thư
Ý kiến của bạn