Bạn bè quốc tế với y tế Việt Nam

01-01-2013 08:10 | Quốc tế

Nhân dịp xuân mới, báo Sức khỏe&Đời sống đã có những cuộc trò chuyện với các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực y tế.

Nhân dịp xuân mới, báo Sức khỏe&Đời sống đã có những cuộc trò chuyện với các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực y tế. Có người đã gắn bó và hiểu về Việt Nam đã lâu, cũng có những người chỉ mới tới Việt Nam lần đầu nhân dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng trong họ đều dấy lên một tình cảm yêu mến đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt là những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân.
Bạn bè quốc tế với y tế Việt Nam 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế Việt Nam cho TS. Paul Timothy Brey - Điều phối viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Viện Pasteur Paris, Cộng hòa Pháp.
Ông Yuri Fedotov - Giám đốc toàn cầu Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ (UNODC)

Việt Nam đã phát triển ấn tượng trong 10 năm qua. Tôi hy vọng với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, Việt Nam có thể hỗ trợ các quốc gia khác. Việt Nam từ chỗ là quốc gia nhận viện trợ của Liên hợp quốc trong quá khứ thì giờ đây không những đã vươn lên nhanh chóng mà còn góp phần trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu trong giải quyết vấn đề ma tuý và HIV/AIDS, trong đó có vai trò rất quan trọng của ngành y tế. Việt Nam đã đạt chuẩn mực quốc tế trong cách tiếp cận, xử lý nghiện hút, tiêm chích ma tuý và phê chuẩn luật theo công ước quốc tế. Do đó, tôi mong muốn Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác.

Bộ trưởng Y tế Thuỵ Điển Maria Larsson
Bạn bè quốc tế với y tế Việt Nam 2
Bà Maria Larsson - Bộ trưởng Y tế Thuỵ Điển.  
Lần đầu tiên tới thăm Việt Nam, một đất nước tuyệt vời, tôi rất hân hạnh được làm việc với Bộ Y tế Việt Nam với mục đích củng cố hợp tác Việt Nam - Thuỵ Điển trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội. Việt Nam và Thuỵ Điển có lịch sử lâu dài trong quan hệ ngoại giao và hợp tác. Mối bang giao trải qua hơn 40 năm đang bước sang chặng đường mới, có nhiều cơ hội để hai quốc gia gia tăng thương mại hai chiều. Chúng tôi thấy rõ Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Ở lĩnh vực y tế, Việt Nam đã đạt nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Mục tiêu của ngành y tế Việt Nam cũng giống với Thuỵ Điển, đó là cùng hướng tới hiệu quả, công bằng và phát triển. Hai nước có cơ hội mở rộng hợp tác điều trị vi khuẩn kháng thuốc, một lĩnh vực đỏi hòi hợp tác trên toàn cầu.

TS. Paul Timothy Brey - Điều phối viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Viện Pasteur Paris

Tôi đã sống ở Việt Nam 7 năm và làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TW 4 năm. Tôi muốn kể cho mọi người nghe tôi đã học hỏi từ cuộc sống và tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam như thế nào. Việt Nam là một đất nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát. Đây là một trường đời được dựng nên từ những hy sinh, vượt qua gian khó mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm sâu sắc khi còn làm việc ở Bắc Giang và Nam Định. Người ta luôn quan tâm, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau bằng cả trái tim và tâm hồn. Chính những con người bình dị đó, những người tôi gặp trong đời thường là hiện thân của tâm hồn Việt Nam, nét đẹp trong văn hoá ứng xử của các bạn mà nhiều quốc gia đã phải hy sinh nét đẹp này trong quá trình phát triển. Các bậc tiền bối của chúng ta, Bác Hồ và nhà bác học Pasteur là những người có cùng chí hướng, đó là đều vì nhân dân. Chính các bậc tiền bối đã tạo dựng nền tảng cho mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa các cán bộ của Viện Pasteur Paris và các nhà khoa học Việt Nam. Tôi rất tự hào được sát cánh cùng các bạn bè Việt Nam và cảm thấy hạnh phúc trong suốt quá trình sống và làm việc tại đây.

Thomas Frieden - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)

Đến Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên về các hoạt động y tế công cộng, đặc biệt đi ngoài đường, tôi thấy các tấm biển quảng cáo tuyên truyền phòng chống HIV, phòng chống thuốc lá hay tai nạn thương tích rất thú vị. Tôi nghĩ những gì mà các bạn đang làm cho công tác y tế dự phòng rất hữu ích. CDC có rất nhiều chương trình hợp tác với phía Việt Nam như phòng chống HIV AIDS, giám sát cúm, đào tạo nguồn nhân lực… Việt Nam có nguồn thông tin và các định hướng chính sách rõ ràng. Cả Việt Nam và CDC thời điểm này hiện đang cùng quan tâm tới việc phòng chống thuốc lá bởi đây là căn nguyên gây tử vong hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả bệnh lao, HIV và sốt rét cộng lại. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn trong phòng chống thuốc lá như ban hành luật về phòng chống thuốc lá.

GS. Alain Montegut - Đại học Boston, Hoa Kỳ

Kỷ niệm chương Vì Sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế Việt Nam trao tặng là một niềm vinh hạnh mà tôi sẽ mang trong suốt cuộc đời. Thời gian tôi làm việc tại Việt Nam đã trải qua hơn 17 năm. Cơ quan đầu tiên mà tôi hợp tác là Viện Chiến lược Y tế. Ban đầu, cũng giống như ở nhiều nước khác trên thế giới mà tôi đã tới làm việc, tôi cứ nghĩ rằng sẽ chỉ ở lại Việt Nam 2-3 năm. Thế nhưng, chẳng hiểu sao đất nước này có điều gì lại cứ thu hút tôi đến vậy. Cho đến hôm nay, không biết tôi đã quay trở lại Việt Nam đến bao nhiêu lần. Tôi đã từng vinh dự được tiếp kiến và làm việc qua 5 đời Bộ trưởng Y tế và nhiều phòng ban khác nhau của Bộ Y tế. Thời gian hợp tác cùng Đại học Y Hà Nội, tôi làm việc cùng GS. Tôn Thất Bách, người đưa ra khẩu hiệu: “Chúng ta phải thay đổi” và đưa khái niệm hoàn toàn mới “bác sĩ gia đình” vào Việt Nam. Sau đó, chuyên khoa Y học gia đình được mở rộng ra các sở y tế với tâm điểm mã ngành Y học gia đình ra đời tại tất cả các nước Đông Nam Á. Trong suốt quá trình làm việc tại Việt Nam, tình yêu với Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam cứ lớn dần lên theo năm tháng và trở thành một phần không thể thay đổi trong cuộc đời tôi.

Bích Vân


Ý kiến của bạn