Tư tưởng Hồ Chí Minh trên mảnh đất yêu hòa bình của nhân loại
Tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một bài ca mãi vang vọng trong tâm trí của nhà văn Bakhyt Rustemov - đồng Chủ tịch Ủy ban Văn học Nghị viện Á-Âu. Theo ông, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam, có thể sánh với những tư tưởng nhân văn cao cả trên thế giới. “Nhớ lại câu nói của Bernard Shaw: Giờ đây chúng ta có thể bay trên không như những con chim, bơi dưới nước như những con cá, tất cả những gì tồn tại trong chúng ta ấy là sống với nhau như người với người trên trái đất này. Thế kỷ 21 là thế kỷ của tình đoàn kết, hòa bình, hài hòa và sự hiểu biết tương hỗ lẫn nhau trên toàn trái đất. Đây chính là ghi nhận những giá trị mà tôi nghe được trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên mảnh đất yêu hòa bình của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương”, nhà văn Bakhyt Rustemov đã tâm tình về Việt Nam mến thương qua trái tim rung động của ông. Ông cũng đã tới thăm nơi Bác Hồ từng dạy học để thấm nhuần thêm về tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.
Khát vọng nối liền non sông thành một dải, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. Và đó còn là giây phút mà triệu triệu người yêu hòa bình trên trái đất này mong chờ từ rất lâu. “Từ cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến và hòa bình”, nhà thơ Fernando Rendón - Chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế Medellín (Colombia), Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ Latinh bày tỏ về “đất nước Việt Nam tươi đẹp và anh hùng”.
Bản thân Fernando Rendón đã viết bài thơ “Việt Nam” để dành tặng người Việt Nam cần lao và anh hùng. Theo ông, bản anh hùng ca Việt Nam đã đơm hoa kết trái và nuôi dưỡng hy vọng lớn lao của nhân loại, mang đến ngàn hoa, nảy mầm bất tận và trường tồn mãi cùng thời gian:
“Để có được ngày hôm nay,/biết bao máu và nước mắt đổ xuống/ Họ buộc phải cầm súng chống lại quân thù/để giành lại cuộc đời.
Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi...”/“Mỗi tiếng hát được bắt nguồn từ cội rễ thời gian/Cuộc kháng chiến trường kỳ của các bạn nuôi dưỡng hy vọng lớn lao của nhân loại./Với máu lửa âm nhạc của các bạn gieo xuống và gặt hái một đời sống mới...”.
Nhà thơ Fernando và nhà văn Vadim Terekhin trên Vịnh Hạ Long
Việt Nam giàu chất thơ qua con mắt các nhà thơ nước ngoài
Càng tìm hiểu về thơ văn kháng chiến của Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ thế giới càng trở nên say mê hơn. Thơ văn kháng chiến bắt nguồn từ khát vọng nối liền non sông một dải của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đậm tình người, thể hiện tâm hồn của người Việt Nam qua đời sống hàng ngày, rất thật và rất lãng mạn.
Không chỉ là biểu tượng anh hùng ca, Việt Nam còn rất giàu chất thơ. Nhà văn Gerry Loose đến từ Scotland đã cảm nhận vẻ đẹp Việt Nam như sau: “Hy vọng của tôi là cô đọng một phần nhỏ thế giới đa dạng của nền văn hóa Việt Nam: cuộc sống, thơ ca và niềm đam mê. Tôi hy vọng sẽ mang điều này về quê hương Scotland”. Ông đã yêu những vần thơ lãng mạn của nhà thơ kháng chiến Việt Nam từ lúc nào không hay. Cùng lúc này, ông đang phổ nhạc cho những bài thơ. Ông cảm nhận những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm “như là viết cho tôi, từ khi tôi biết yêu, tôi biết về cơn bão tháng tư và tôi biết mái tóc của mẹ tôi đã bạc nhiều”.
Thời khắc chuyển giao của đất trời, 30/4 ấy như là lời ngợi ca bất tận về hòa bình, về khát vọng tình yêu lứa đôi, về tình mẫu tử thiêng liêng, về bầu trời xanh vô tận, về hạt bụi trong đêm đã khiến trái tim của một nhà thơ từ đất nước Scotland xa xôi phải thổn thức. Ông đã hiểu tình cảm thiêng liêng của người Việt Nam, vào thời khắc thiêng liêng trọng đại mong chờ từ rất lâu này.
Sự cảm mến đất nước của những vần thơ ấy trong lòng nhà thơ Biplab Majee cũng đậm chất nhân văn. “Việt Nam là đất nước của thi ca”, nhà thơ Ấn Độ thốt lên. Việt Nam là đất nước của “con rồng cháu tiên”. Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi và sáng tạo. Và trên hành trình tới Hạ Long, ông đã thấy những đám mây mang hình dáng rồng bay trên bầu trời như báo điềm lành. Tại “Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thành phố của văn học), hàng ngàn người Việt Nam đã đến nghe thơ vào ngày Rằm Nguyên tiêu - Ngày thơ Việt Nam. Tiếng thơ cất lên từ nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Bên Vịnh Hạ Long còn có núi Bài Thơ, nghĩa là ngọn núi của thi ca. Một số bài thơ được sáng tác trên vách núi Bài Thơ và các nhà thơ từ khắp năm châu cùng cất lên lời nguyện cầu cho hòa bình. “Những ngày ở Việt Nam, tôi đã trải qua thế giới cổ tích của thơ ca thực sự. Và dường như thế giới sẽ quay đầu từ phương Tây sang phương Đông”, nhà thơ Biplab Majee tỏ lòng.