Mới đây, dư luận rất bức xúc trước việc vỉa hè chạy dọc 2 bên tuyến phố Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang được lát gạch lục giác đỏ, bó vỉa rất đồng bộ và trông còn rất mới. Nhưng tại đoạn qua tòa nhà Mitsubishi Việt Hồng - Hoàng Mai, gần như toàn bộ lớp gạch vỉa hè xung quanh tòa nhà này, ước tính khoảng 1.000m2 đã bị chủ công trình ngang nhiên cho bóc lên, ngổn ngang, bừa bãi.
Toàn bộ quá trình nói trên diễn ra nhưng chính quyền sở tại vẫn “không hay biết ?”, chỉ đến khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới đến kiểm tra. Và theo giải thích của họ thì chủ công trình đã tự ý cho công nhân tranh thủ bóc các lớp vỉa hè lên trong đêm, mục đích là để cải tạo vỉa hè cho khang trang hơn.
Vỉa hè trên phố Trần Thủ Độ bị đào bới ngổn ngang.
Thực ra, việc tự bóc vỉa hè để thay đổi kết cấu như trên không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ những năm trước và tình trạng này được ví như “đặc quyền của các đại gia” ở Hà Nội.
Được biết, từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành thiết kế mẫu hè phố. Trong đó, việc thiết kế mẫu yêu cầu đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ và mỹ quan đô thị trên một đoạn tuyến liên tục, tuyến phố bao gồm kết cấu hè, chủng loại vật liệu, quy cách, kích thước, màu sắc. Thiết kế xây dựng vỉa hè phải theo hướng ưu tiên dành cho người đi bộ...Nhưng thực tế, nhiều đoạn vỉa hè đô thị tại Hà Nội bị chặt đứt nham nhở vì một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn muốn tạo mặt tiền có sự khác biệt.
Ghi nhận tại đường Láng Hạ, chỉ trong đoạn khoảng 100m từ nhà số 2 đến tòa nhà Harec Building, số 4A, vỉa hè khá lộn xộn, chỗ cao chỗ thấp, chia thành 3 đoạn, có các tông màu, chất liệu gạch khác nhau và không có đường dành cho người khiếm thị. Theo một người dân sống quanh khu vực này, từ lâu vỉa hè ở đây vốn như vậy.
Trở lại vụ việc chủ công trình tự ý bóc vỉa hè tòa nhà Mitsubishi Việt Hồng - Hoàng Mai, theo chính quyền sở tại, việc chủ doanh nghiệp tự ý đào vỉa hè là sai nguyên tắc và không được cấp phép, do vậy cùng với việc lập biên bản đình chỉ thi công công trình, Thanh tra xây dựng cũng đề xuất UBND quận Hoàng Mai ra quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp chế tài kèm theo.
Theo KTS. Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc một công ty thiết kế tư nhân ở Hà Nội: Nếu được cơ quan quản lý thẩm định và cấp phép, theo sự quản lý thống nhất của thành phố, thì sự thay đổi là không thành vấn đề nếu như có thiết kế đẹp và tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng.
Tuy nhiên các chủ công trình không nên tùy tiện làm mất mỹ quan chung và ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, đặc biệt là người khuyết tật.
TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết: Tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm với mục đích khác nhau đã diễn ra tràn lan ở hầu hết tuyến phố, chứ không riêng gì việc đào bới, thay đổi kết cấu vỉa hè của các doanh nghiệp, tập đoàn.
Hè phố là một bộ phận của đô thị và phải được quản lý thống nhất. Các hoạt động diễn ra trên hè phố (kể cả xây dựng) phải được cơ quan quản lý theo phân cấp cho phép...