Bấm huyệt hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

SKĐS - Bệnh trĩ hay gặp ở người thường đứng hoặc ngồi lâu, hoặc bị táo bón lâu ngày. Nguyên nhân do ứ máu trong hệ thống tĩnh mạch ở ống hậu môn...

Triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ: Đau vùng hậu môn, đại tiện ra máu và ít khi gây sốt. Đau nhiều khi có hiện tượng tắc mạch hoặc nứt hậu môn, sưng nề vùng hậu môn. Trong các đợt cấp hoặc khi trĩ sa ra ngoài, có thể búi trĩ sưng to, hoặc trông như "súp lơ", sau khi đi ngoài, bệnh nhân phải dùng tay đẩy hậu môn vào.

Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ ràng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh trĩ có thể gặp do sự giãn hoặc phồng lên quá mức của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống các đám rối tĩnh mạch của trực tràng gây nên hoặc do một số bệnh lý gây ra như viêm đại tràng co thắt, u đại tràng, u xơ tử cung, xơ gan...

1. Bấm huyệt chữa bệnh trĩ

Phương huyệt chủ yếu được chọn là các huyệt vị: Bách hội, túc tam lý, khổng tối, thừa sơn...

1.1 Huyệt túc tam lý

Vị trí huyệt: Ngồi trên ghế, 2 cẳng chân vuông góc với đùi, xác định chỗ lõm phía trước ngoài của khớp gối đo xuống 3 thốn (bằng chiều ngang của 4 ngón tay chụm lại) nơi cẳng chân trước và cách bờ sau xương chày 1 khoát ngón tay, khe giữa xương chày và xương mác. Hoặc úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân từ đó hơi nhích ra phía ngoài một ít là huyệt.

photo-1664425912946

Vị trí huyệt túc tam lý.

Công dụng: Túc tam lý là huyệt quan trọng có thể dùng một mình hay phối hợp điều trị các bệnh thuộc Vị (hệ thống tiêu hóa) và các trường hợp chướng đau ở bụng, các bệnh về mắt, hệ thần kinh, huyết áp cao. Là huyệt có tác dụng toàn thân để nâng cao chính khí (sức đề kháng), trị bệnh dạ dày, khi phối hợp với huyệt Thừa sơn có tác dụng sơ thông trệ khí ở Tràng vị. Cổ nhân cho rằng "Tràng vị hòa thì nhiệt độc được thanh mà bệnh lỵ và trĩ sẽ khỏi".

Cách thực hiện: Ngồi thẳng lưng trên ghế, chân vuông góc với mặt đất, xác định huyệt túc tam lý sau đó dùng ngón cái đặt vào huyệt, 4 ngón còn lại ôm sát vào phần sau chân, day nhẹ nhàng quanh huyệt khoảng 5 phút. Sau đó dùng lực mạnh hơn ấn từ từ xuống khi cảm thấy căng tức thì giữ nguyên khoảng 5 giây rồi từ từ nhả tay ra, sau đó day và làm lại như trên 3 lần.

1.2 Huyệt thừa sơn

Vị trí huyệt: Dùng ngón tay vuốt thẳng từ gót chân lên phần tiếp nối với bắp chân, ấn nhẹ sẽ thấy một điểm lõm chính là vị trí huyệt Thừa Sơn. Hoặc gập chân ra sau, lúc này hai cơ sinh đôi sẽ hiện rõ trên bắp chân huyệt Thừa Sơn chính là khe của cơ sinh đôi này.

photo-1664425915130

Vị trí huyệt thừa sơn.

Công dụng: Trĩ và sa trực tràng là hai bệnh lý có liên quan mật thiết với các huyệt đạo trên kinh Bàng Quang. Theo Đông y, thừa sơn có tác dụng thư cân, lương huyết, điều phủ khí, trị trĩ, sa trực tràng.

Tác động lên huyệt vị thừa sơn với một lực đủ mạnh sẽ thúc đẩy khí huyết lưu thông, làm cho các tĩnh mạch giãn ra; từ đó dần cải thiện tình trạng bệnh. Kinh nghiệm của tiền nhân thường phối với các huyệt phục lưu, thái xung, thái bạch trị đại tiện ra máu. Phối với thái khê trị đại tiện khó. Kinh nghiệm hiện nay thường phối với nhị bạch trị bệnh trĩ, phối trường cường, thừa phù trị sưng ngứa hậu môn.

Cách thực hiện: Ngồi thoải mái trên ghế, đặt chân phải gác lên chân trái. Xác định vị trí chính xác của huyệt Thừa sơn; sau đó dùng 1 tay nắm chặt bắp chân, ngón cái của tay còn lại ấn mạnh lên vị trí huyệt và day huyệt khoảng 1-3 phút. Thao tác tương tự với huyệt ở bên chân còn lại.

1.3 Huyệt bách hội

Vị trí huyệt: Xòe hai bàn tay và cắm hai ngón cái vào hai lỗ tai. Hướng hai ngón giữa về phía đỉnh đầu, các ngón còn lại ôm lấy đầu. Huyệt bách hội là điểm chạm của hai ngón giữa.

Công dụng: Huyệt bách hội là một trong những huyệt quan trọng của mạch đốc. Bách hội hỗ trợ giải tỏa tinh thần, điều hòa dương khí. Theo y học cổ truyền, bách hội là nơi hội tụ của lục phủ ngũ tạng, tác dụng chủ yếu của bách hội là thăng dương cố thoát, bình can tức phong, cử được dương khí bị hạ hãm...

Cách thực hiện: Ngồi thoải mái trên ghế, dùng tay thuận nắm hờ, ngón giữa hơi khum lại, đặt vào nơi vuông góc với huyệt. Di chuyển gốc bàn tay (gần cổ tay) áp vào phía trên vành tai để tạo điểm tựa sau đó dùng ngón giữa day ấn và day theo chiều kim đồng hồ khoảng 2 phút.

1.4 Huyệt khổng tối

Vị trí huyệt: Thực hiện động tác gấp duỗi bàn tay, huyệt nằm ở gần khuỷu tay, cách cổ tay lên trên 7 thốn (nếu tính từ lằn chỉ cổ tay đến lần nếp khuỷu là 12 thốn thì huyệt vị này có vị trí bằng 7/12 khoảng cách trên).

photo-1664425917173

Vị trí huyệt khổng tối.

Công dụng: Huyệt khổng tối có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình trao đổi chất có chức năng quan trọng cầm máu và giải biểu giúp cơ thể.

Cách thực hiện: Dùng đầu ngón tay trỏ hoặc ngón giữa để thực hiện ấn lên vị trí của huyệt. Giữ im cố định ở vị trí trong thời gian chừng 1-2 phút.

2. Dùng thuốc nam đơn giản hỗ trợ chữa bệnh trĩ

Bài 1: Ổi vừa chín tới, gọt bỏ vỏ ăn một ngày vài quả. Nếu như ăn cả vỏ thì có thể gây táo bón, nhưng nếu gọt vỏ thì có tác dụng như thuốc nhuận tràng.

Bài 2: Rau sam tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào hậu môn, nơi trĩ sưng lòi ra.

Bài 3: Chữa hậu môn sưng đau, lở nứt, lòi dom (sa trực tràng): Chua me đất, rau sam, mỗi thứ một nắm, bồ kết 1 quả giã nhỏ, nấu nước ngâm rửa, 1-2 lần/ngày.

3. Một số biện pháp phối hợp chữa bệnh trĩ

Chế độ ăn: Ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, đúng giờ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.

Hạn chế các chất kích thích như rượu, chè, cà phê, chất cay nóng. Giữ vệ sinh ăn uống để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa dễ phát sinh bệnh trĩ như rối loạn tiêu hóa,

Chế độ sinh hoạt: Hạn chế công việc nặng. Tránh đứng hoặc ngồi lâu, không nên ngồi xổm. Tập thể dục đều đặn và phù hợp.

Tập thói quen đại tiện đúng giờ, đại tiện ngay khi muốn đại tiện, tốt nhất mỗi ngày đi đại tiện một lần. Tránh rặn nhiều khi đi đại tiện vì làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch trĩ. Giữ vệ sinh tầng sinh môn.

Điều trị tích cực các bệnh làm tăng áp lực ổ bụng như ho kéo dài, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiêu hóa,…

Người mắc bệnh trĩ nên điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh trĩ đang ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị nội khoa, dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý. Khi bệnh đã nặng, điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì sẽ được can thiệp bằng ngoại khoa.

Mời bạn xem thêm video:

Sai lầm: Ăn quả thay rau vừa tăng cân vừa hại sứckhỏe.

ThS. BS Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn