Bấm huyệt chữa tê bì, dị cảm tay chân do hóa chất trị ung thư

SKĐS - Tác dụng phụ của hóa chất điều trị ung thư thường gây khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là cảm giác tê bì, dị cảm. Để khắc phục, ngoài đơn thuốc của bác sĩ, người bệnh có thể được kết hợp day bấm một số huyệt vị nhằm giảm cảm giác khó chịu, nâng cao chất lượng sống.

1. Hóa chất trị ung thư gây những tác dụng phụ gì?

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, điều trị tia xạ, điều trị hóa chất, điều trị miễn dịch và điều trị ung thư hướng đích...

Trong đó, hóa trị là một biện pháp điều trị toàn thân bằng các thuốc hóa học, bên cạnh các phương pháp điều trị tại chỗ - tại vùng như phẫu thuật và xạ trị.

Ngoài tác dụng điều trị thì hóa trị cũng gây ra nhiều độc tính, bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn
  • Mệt mỏi, sốt, phản ứng giả cúm
  • Giảm sinh tuỷ: Giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, chán ăn, tiêu chảy, táo bón
  • Hệ lông tóc móng: Rụng tóc, xạm da, thay đổi màu sắc móng
  • Hệ thần kinh: Dị cảm đầu chi, giảm thính lực…
  • Hệ sinh dục: Rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, vô sinh, quái thai ….

2. Vì sao xuất hiện tê bì, dị cảm tay chân?

Dị cảm là triệu chứng gây khó chịu cực kỳ với người bệnh, nguyên nhân là tổn thương thần kinh ngoại biên do dùng thuốc hóa trị.

Hóa trị có thể làm hỏng các dây thần kinh ảnh hưởng đến cảm giác và vận động ở tay chân. Các triệu chứng của nó bao gồm ngứa ran, tê và các cảm giác khác thường ở bàn chân và bàn tay như đau hoặc nóng rát, nó có thể diễn biến nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khi tổn thương thần kinh tăng lên, có thể yếu các cơ bàn chân hoặc bàn tay. Bệnh lý thần kinh ngoại biên thường được cải thiện sau khi hóa trị kết thúc, các tổn thương thần kinh có thể được chữa lành. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể không hoàn toàn biến mất và các triệu chứng mới đôi khi có thể phát triển do tác dụng phụ muộn của điều trị.

Bấm huyệt chữa tê bì, dị cảm tay chân do hóa chất trị ung thư - Ảnh 2.

Điều trị ung thư bằng hóa chất có thể gây dị cảm bàn tay, bàn chân.

3. Các huyệt vị thường được áp dụng

Để điều trị tác dụng phụ này thì tây y thường dùng các thuốc giảm đau tê, nhưng việc phối hợp với các phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền sẽ giúp làm giảm tê hiệu quả hơn. Các phương pháp bao gồm:

- Tập các bài dưỡng sinh: Chào mặt trời, xem xa xem gần, xoa chi trên, xoa chi dưới, xoa bàn chân…

- Châm cứu: Châm và kết hợp cứu ấm bằng điếu ngải giúp người bệnh dễ chịu hơn.

- Xoa bóp bấm huyệt: Các kỹ thuật xoa, xát, day, bóp, rung, vỗ, miết, vờn… kèm bấm huyệt làm cho khí huyết lưu thông, giảm cảm giác tê bì, dị cảm, giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Bấm huyệt là biện pháp dùng lực của ngón tay, lòng bàn tay, khuỷu tay hoặc bàn chân hay dùng các dụng cụ chuyên dụng tác động vào huyệt vị trên cơ thể.

Bấm huyệt chữa tê bì, dị cảm tay chân do hóa chất trị ung thư - Ảnh 3.

A thị huyệt, day bấm vào điểm đau của người bệnh ung thư được sử dụng nhiều nhất.

Các huyệt hay dùng như:

  • A thị huyệt: Được sử dụng nhiều nhất, day bấm vào điểm đau tê của người bệnh.
  • Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
  • Bát tà: Huyệt này nằm ở kẽ 5 ngón tay, trên đường tiếp giáp của da gan tay và mu tay, ngang với khe khớp xương bàn tay với ngón tay.
  • Khúc trì: Co khủy tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷ, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khủy.
  • Túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó đo ra 1 thốn là huyệt Túc tam lý.
  • Tam âm giao: Ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn.
  • Dương lăng tuyền: Ở chỗ lõm phía trước và dưới của đầu trên xương mác, nơi thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân.
  • Dũng tuyền: Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2 và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.
Điều trị ung thư là một chặng đường dài cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhân viên y tế và gia đình. Do đó, khi phát hiện triệu chứng bất thường, người bệnh và người nhà cần báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời và hiệu quả.

Mời bạn xem tiếp video:

Làm việc căng thẳng thời gian dài tăng nguy cơ trầm cảm


BSCKI. Lê Thị Thúy Hằng
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
Ý kiến của bạn