Bấm bụng chịu "chặt chém"

02-05-2014 14:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Giá phòng nghỉ tại các điểm du lịch như Đà Lạt, Nha Trang tăng gấp 2-4 lần ngày thường. Thế nhưng, thanh tra du lịch các tỉnh khẳng định không có tình trạng “chặt chém”

Giá phòng nghỉ tại các điểm du lịch như Đà Lạt, Nha Trang tăng gấp 2-4 lần ngày thường. Thế nhưng, thanh tra du lịch các tỉnh khẳng định không có tình trạng “chặt chém”

Trong ngày 1-5, du khách đổ về Đà Nẵng , Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... để nghỉ lễ tiếp tục tăng đột biến khiến nhiều dịch vụ trở nên quá tải.

Tăng giá ồ ạt

Nắm bắt được thời cơ kiếm tiền hiếm có, chủ các nhà hàng ăn uống, dịch vụ nghỉ ngơi, đi lại… đồng loạt hét giá, nhất là ở những khu vực trung tâm TP Đà Lạt. Theo khảo sát, giá phòng nghỉ bình dân trên một số tuyến đường như Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng… ngày thường từ 200.000-300.000 đồng/phòng 2 giường, nay tăng vọt lên 600.000-700.000 đồng. Thế nhưng, tìm được một chỗ ở đã là may mắn. Chiều 1-5 vẫn còn rất nhiều du khách lang thang trên các tuyến phố để tìm phòng nghỉ. Sau nhiều giờ tìm kiếm bất thành, họ phải di chuyển đến những nhà nghỉ bình dân ở vùng ngoại ô với giá phòng cao ngất ngưởng.

Tình trạng tăng giá phòng nghỉ diễn ra khá công khai ở TP Nha Trang. Đa số khách sạn, nhà nghỉ từ 2 sao trở xuống đều kín phòng. Tại khách sạn Thiên Mã, Việt Hà (đường Trần Phú), nhân viên lễ tân báo giá 800.000 đồng/phòng đơn và 1,2 triệu đồng/phòng đôi, trong khi giá ngày thường khoảng 200.000-350.000 đồng/phòng.

Khách sạn Trump trên đường Hoàng Hoa Thám, giá phòng ngày thường chỉ 200.000 đồng cũng đôn lên 500.000 đồng. Nhà nghỉ Trăng Vàng ở hẻm Trần Phú cũng báo giá 500.000 đồng/phòng, gấp 2,5 lần so với ngày thường.

Vườn hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đông nghẹt khách tham quanẢnh: THẠCH THẢO
Vườn hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đông nghẹt khách tham quanẢnh: THẠCH THẢO
Du khách ở bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh HòaẢnh: KỲ NAM
Du khách ở bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh HòaẢnh: KỲ NAM

Anh Lâm Đại Thành (ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) than thở gia đình anh đi nghỉ 3 ngày phải ở 2 khách sạn vì không tìm được phòng. Mặc dù đến Nha Trang nhiều lần, biết giá cả niêm yết nhưng anh đành bấm bụng trả tiền gấp đôi. Lợi dụng dịp này, nhiều “cò phòng” chèo kéo du khách với giá phòng từ 500.000-900.000 đồng/phòng đơn ở các khách sạn 2 sao.

Nhiều du khách tham quan Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng phản ánh không chỉ giá tour tăng hơn 100.000 đồng/người so với ngày thường mà dịch vụ ăn uống cũng tăng. Tôm hùm được hét giá 2,2 triệu đồng/kg trong khi ở đất liền chỉ 1 triệu đồng/kg.

Ông Đặng Quang Sơn - Giám đốc Ban Quản lý cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết trong sáng 1-5, khoảng 1.200 lượt khách từ đất liền đã ra Lý Sơn. Toàn huyện Lý Sơn chỉ có 12 khách sạn, nhà nghỉ với 250 chỗ ở nên rơi vào tình trạng “cháy” phòng. Các nhà nghỉ, khách sạn đã tăng giá khoảng 20%-40% so với bình thường.

Kiểm tra nhưng không phát hiện?

Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng luôn khẳng định đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, công an, y tế, QLTT… tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở ăn uống, lưu trú, dịch vụ đi lại… trong toàn thành phố cả trước, trong và sau lễ. Nhưng kỳ lạ thay, giá cả các dịch vụ tại đây vẫn đua nhau nhảy múa mỗi khi thời cơ đến như không có sự quản lý của cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, vào dịp lễ, Tết, các cơ sở lưu trú có thể tăng giá không quá 50% so với giá niêm yết. Thế nhưng, tình trạng “ chặt chém ” giá phòng đang diễn ra khá công khai. Chiều 1-5, bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Chánh Thanh tra Sở Tài chính Khánh Hòa, cho hay: Sở đã cử đoàn đi kiểm tra các cơ sở lưu trú nhưng các khách sạn đều cam kết bán giá phòng đúng theo đăng ký. Đoàn cũng chưa phát hiện được cơ sở nào vi phạm.

Ông Đinh Vĩnh Tiền - Phó Ban Quản lý cảng du lịch Cầu Đá, TP Nha Trang - cho biết: Chỉ trong 2 ngày 30-4 và 1-5 đã có hơn 11.000 lượt du khách tham quan vịnh Nha Trang, gấp 5-7 lần so với ngày thường. Hiện nay, chưa có du khách nào phản ánh về tình trạng “chặt chém”, bán tour không đúng quy định (?!).

Phóng viên cũng liên lạc nhiều lần vào số điện thoại đường dây nóng của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhưng không ai bắt máy.

Hà Nội “cháy” taxi

Nhiều du khách ở Hà Nội phản ánh rất khó kiếm được taxi. Chị Huyền (quận Hà Đông) sáng 1-5 gọi điện đến tổng đài taxi Sông Nhuệ nhưng máy bận liên tục, đến lần thứ 5 mới có nhân viên nhấc máy thông báo đã hết xe và cũng không hẹn khách chờ.

“Hệ thống taxi Sông Nhuệ có khoảng 600 xe và chủ yếu đóng ở khu vực Hà Đông nên trước nay hiếm khi “cháy” xe, không hiểu sao đợt lễ này lại thế” - chị Huyền than phiền.

Hầu hết khách gọi taxi chạy chặng ngắn trong nội thành đều bị từ chối, vẫy bắt xe chạy trên đường thì gần như không được. Anh Nguyễn Viết Tuấn, tài xế hãng taxi Vạn Xuân, kể từ ngày 29-4 đến 1-5, hầu hết taxi chỉ nhận khách đi tỉnh, từ chối khách đi tuyến ngắn do thiếu xe và tắc đường. “Năm nay, nhiều hộ gia đình có con nhỏ ở các tỉnh lân cận Hà Nội đặt xe về quê nên tình trạng thiếu xe căng thẳng hơn mọi năm. Nhiều khách quen gọi đặt lịch từ 8 giờ hôm trước nhưng phải đến 17-18 giờ mới bố trí được xe, nhiều gia đình phải lùi lại đến sáng 1-5 mới về quê được” - anh Tuấn nói.

 


Ý kiến của bạn