Trước thực trạng hoạt động quảng cáo tại Hà Nội hiện nay còn nhiều vi phạm gây mất mỹ quan đô thị, Sở VH-TT&DL Hà Nội vừa tổ chức cuộc tọa đàm nhằm tìm hướng đi trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo. Điều này cho thấy, vấn đề “dẹp” biển, bảng quảng cáo sai quy định thời gian qua tại Hà Nội luôn là bài toán nan giải.
Vi phạm tràn lan
Không khó để thấy Hà Nội hiện nay tại nhiều tuyến phố có hạ tầng rất tốt, khang trang nhưng lại chưa được đẹp do bảng, biển, tờ rơi quảng cáo đua nhau mọc lên như nấm, dựng tràn lan không theo quy hoạch làm giảm mỹ quan đô thị Thủ đô. Theo Sở VH-TT&DL Hà Nội, việc thực hiện quảng cáo trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian vừa qua nhìn chung đi vào nền nếp, cảnh quan môi trường đô thị được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các sai phạm, thậm chí nhiều. Sở VH-TT&DL thống kê, có 78 trên con số hàng trăm tấm biển quảng cáo tấm lớn trên địa bàn Hà Nội có hành vi sai phạm, trong đó 37 trường hợp biển quảng cáo tấm lớn vi phạm từ trước năm 2008, 41 trường hợp xuất hiện từ năm 2009 đến nay. Hiện tại, biển hiệu quảng cáo vi phạm trên địa bàn TP. Hà Nội cũng còn khá lớn, khoảng 15.000 vi phạm trên tổng số trên 65.000 trường hợp. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khắc phục được trên 8.000 trường hợp.
Một biển quảng cáo “vĩ đại” sai quy định về kích cỡ tại Hà Nội.
Con số thống kê tại quận Hoàn Kiếm cũng chỉ ra, từ đầu năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng liên ngành đã xử lý khoảng 200 biển quảng cáo thương mại, biển hiệu sai nội dung, kích thước, bắt giữ, xử lý 26 đối tượng dán quảng cáo rao vặt trái quy định. Tại quận Đống Đa, các nhà quản lý cũng tháo dỡ 74 biển quảng cáo, hơn 1.200 biển hiệu trên 9 tuyến phố trọng điểm, cắt hàng nghìn băng rôn, phướn... không đúng quy định. Các ngành chức năng ở thị xã Sơn Tây trong thời gian qua cũng phối hợp cùng nhân dân dọn sạch gần 900 biển hiệu không đúng kích thước ở phố Lê Lợi, Chùa Thông và hơn 1.000 biển hiệu ở các tuyến phố khác. Và hiện nay, nếu đi qua các phố, điển hình như: Tây Sơn, Thái Hà, Chùa Bộc (quận Đống Đa) dễ dàng nhận thấy còn khá nhiều biển hiệu sai kích thước so với các quy định hiện hành về quảng cáo.
Đồng thời, hiện nay đã và đang có thực trạng, một số nơi có hệ thống bảng quảng cáo rao vặt miễn phí để cũ mốc, nham nhở nhưng tại rất nhiều điểm chờ xe buýt, tường nhà dân lại bị “trưng dụng” để quảng cáo rao vặt trông không gian rất nhếch nhác. Đầu tháng 12 vừa qua, một đoàn kiểm tra liên ngành ở Hà Nội gồm: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và UBND các phường, các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra giải tỏa biển hiệu, biển quảng cáo lắp đặt trái phép trên vườn hoa, thảm cỏ tại các tuyến đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy, Giảng Võ. Cuộc ra quân này của cơ quan chức năng đã xử lý, giải tỏa, tháo dỡ được 12 biển hiệu, biển quảng cáo; 22 băng rôn quảng cáo trái với quy định.
Cần tiếng nói chung
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, văn hóa, tại Thủ đô Hà Nội hiện nay còn nhiều sai phạm và tồn tại trong quảng cáo tấm lớn, biển hiệu... bởi những lý do khác nhau. Một chuyên gia thuộc lĩnh vực văn hóa thông tin quận Đống Đa cho rằng, từ khi Luật Quảng cáo ra đời, biển quảng cáo, biển hiệu có diện tích bề mặt từ 20m2 trở lên bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng. Thế nhưng, việc cấp phép xây dựng đối với biển quảng cáo có diện tích lớn hơn 20m2 chưa được các ngành chức năng triển khai. Hơn nữa, trách nhiệm của các cơ quan trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp lắp dựng biển quảng cáo, biển hiệu không phép có diện tích từ 20m2 trở lên chưa rõ ràng, cụ thể; quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với biển hiệu lắp dựng trên công trình, nhà ở theo nội dung Luật Quảng cáo còn chung chung, khiến cho việc vận dụng rất khó khăn.
Cũng không ít ý kiến cho rằng, hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo như Luật Quảng cáo, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật khi thực hiện đã nảy sinh vướng mắc cần phải điều chỉnh, bổ sung và tháo gỡ. Ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội bày tỏ: các doanh nghiệp quảng cáo và nhà quản lý chưa có sự hợp tác vì mục đích khác nhau. Doanh nghiệp quảng cáo thì muốn vị trí đắc địa, đẹp về quảng cáo để bán sản phẩm nhằm tăng thu nhập. Tuy nhiên, những vị trí đẹp thường vào vị trí công cộng hoặc đông dân cư, thậm chí có những biển quảng cáo lắp không đúng thẩm mỹ vừa phá vỡ cảnh quan đô thị, lại vừa vi phạm pháp luật.
Trước vấn đề xử lý các biển, bảng quảng cáo vi phạm, trước mắt, Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, quy hoạch về quảng cáo trên địa bàn sẽ sớm ra đời phù hợp với thực tiễn. Mới nhất, đầu tháng 12/2014, Sở VH-TT&DL đã có văn bản thống nhất với các Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư để làm căn cứ thực hiện, nhằm điều chỉnh linh hoạt, giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước. Và mục đích cuối cùng vẫn là đảm bảo cảnh quan đô thị, không gian văn hóa trên mọi nẻo đường thành phố.
Văn Hoàng