Hà Nội

Bài toán kích cầu

28-02-2014 12:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 2 tăng khá thấp, chỉ 0,55% - đây là mức thấp nhất của tháng 2 trong 10 năm trở lại đây. Điều này đặt ra bài toán cần phải kích cầu cho nền kinh tế để cải thiện sức mua.

SKĐS - Thường vào tháng cao điểm sau Tết Nguyên đán, giá cả hàng tiêu dùng có xu hướng tăng, tuy nhiên năm nay đã xuất hiện điều ngược lại. Giá cả liên tục giảm nhưng sức mua vẫn rất yếu. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 2 tăng khá thấp, chỉ 0,55% - đây là mức thấp nhất của tháng 2 trong 10 năm trở lại đây. Điều này đặt ra bài toán cần phải kích cầu cho nền kinh tế để cải thiện sức mua.

Ngay từ đầu năm, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có những biện pháp kích cầu như khuyến mại, giảm giá để tăng sức mua nhưng cũng không mấy được cải thiện, hiện nay, sức mua trên thị trường vẫn còn rất yếu

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu dẫn đến hàng tồn kho tăng và hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ, hàng trăm doanh nghiệp phá sản mấy năm nay, bản thân doanh nghiệp đi làm cũng chỉ giảm ca, giảm kíp. Mặc dù thế, kết quả vẫn là sản xuất vẫn giảm mà tồn kho vẫn tăng.

 

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu. Nguồn ảnh: tinkinhte.com

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu. (Nguồn ảnh: tinkinhte.com)

 

Theo Bộ Công Thương, mặc dù là tháng Tết nhưng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2014 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều loại hàng hóa có tỷ lệ tồn kho cao như: mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa và chế phẩm vệ sinh (tăng 94,5%); mô tô, xe máy (tăng 89,4%); thuốc lá (tăng 43,5%)... Ngoài ra, các ngành hàng như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; đường; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm điện tử dân dụng... cũng có mức tăng số lượng hàng tồn kho cao.

Để có thể cải thiện được sức mua trong thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia kinh tế, trước hết, chúng ta phải tạo được niềm tin cho người dân. TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, phải thúc đẩy, tạo ra công ăn việc làm để người dân có thu nhập, người dân có niềm tin dài hạn vào nền kinh tế thì họ mới dám bỏ tiền ra mua. Bên cạnh đó, tiếp tục là bài toán ngăn chặn hàng kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, đặc biệt chúng ta phải kiểm soát được hàng rởm, hàng kém phẩm chất, gian lận thương mại, hàng lậu... Nhưng để lâu dài thì theo nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần nâng tổng cầu, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đầu tư cơ bản, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp, cần nắm bắt và phân tích kịp thời diễn biến thị trường, dự báo về sức mua một cách chính xác hơn để có định hướng kinh doanh phù hợp. 

Phạm Đông

 

 

 


Ý kiến của bạn