Bài toán kép này đang được đặt ra cho chính sách tiền tệ-tín dụng của Việt Nam, nhất là trong điều hành công cụ tỷ giá, lãi suất và hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Giải bài toán lạm phát
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á ( ADB ) tại Việt Nam, chính sách tiền tệ của Việt Nam từ đầu năm đến nay rất linh hoạt, vừa để kiềm chế lạm phát, vừa phục vụ tăng trưởng. Mục tiêu quyết tâm kiểm soát lạm phát, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4% cho cả năm 2022 là đúng đắn.
Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hút vốn khả dụng dư thừa, ước tính khoảng 100 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, bằng cách bán tín phiếu NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần làm chậm mức tăng tổng phương tiện thanh toán xuống 9,2% so với 14,2% trong 6 tháng đầu năm 2021. NHNN cũng kiểm soát tác động của việc tăng giá đồng USD bằng cách bán khoảng 7 tỷ USD trong 7 tháng năm 2022 để ổn định tỷ giá hối đoái, giúp tiền đồng giảm giá ở mức 2% so với USD, ổn định hơn so với các đồng tiền khác ở Đông Nam Á.
Tiếp đó, NHNN đúng đắn khi đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và mở rộng biên độ tỷ giá trung tâm; tăng các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở hợp lý nhằm điều hòa dòng tiền vào-ra trên thị trường liên ngân hàng.
Những tháng cuối năm, sức mua thường tăng từ 10% đến 15% so với mức trung bình; trong đó, nhu cầu và giá thịt lợn, rau, củ, quả cao cấp, thủy, hải sản sẽ tăng mạnh hơn. Giá xăng, dầu thế giới cũng có thể tăng nhẹ trong thời gian sát và sau Tết, gắn với biến động địa chính trị phức tạp... Ngoài ra, việc tăng một số giá dịch vụ công, tăng lương, tăng lãi suất cho vay tín dụng cũng tạo cộng hưởng gia tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy.
Vì vậy, cả trước mắt và trung hạn, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu quan trọng, không thể lơ là, đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời các áp lực lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập; thực hiện tốt các giải pháp lưu thông và bình ổn thị trường, không để đứt gãy nguồn cung đối với mặt hàng, nguyên vật liệu thiếu hụt và các mặt hàng thiết yếu...
Giải bài toán dòng tiền đầu tư
Bên cạnh niềm tin sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm 2022, trong những tháng cuối năm, cộng đồng doanh nghiệp chịu áp lực gia tăng cơn khát dòng tiền đầu tư, nhất là từ kênh tín dụng ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tín dụng ngân hàng bị siết lại là tác động tất yếu của công cuộc chống lạm phát mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Để giảm những tác động bất lợi đối với hoạt động của doanh nghiệp, trong tháng 12-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các công điện chỉ đạo gỡ những nút thắt về vốn cho doanh nghiệp.
Đó là công điện gửi Thống đốc NHNN Việt Nam về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế; công điện yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả; công điện yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Các công điện trên của Thủ tướng Chính phủ đã "bắt đúng bệnh", "kê đúng thuốc" để "điều trị" những khó khăn của doanh nghiệp. Trong đó, vốn tín dụng không chỉ được bơm thêm cho những doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà ngay cả lĩnh vực bất động sản cũng được phân tách rõ các mảng để có những ứng xử chính sách khác nhau.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
NHNN cũng rất chủ động, linh hoạt. Ngay từ ngày 5-12, khi thấy khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 sẽ đạt được, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2% cho những lĩnh vực ưu tiên, quan trọng của nền kinh tế và tùy theo khả năng của từng ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo NHNN, hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm nước có dư nợ vốn tín dụng ở mức cao.
Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng vẫn cần thiết. NHNN cần thực hiện theo nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho tổ chức tín dụng có các chỉ số an toàn hoạt động lành mạnh hơn, năng lực quản trị, điều hành có chất lượng, hiệu quả hoạt động cao hơn, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay...
Thực tế cũng cho thấy, việc doanh nghiệp khô cạn dòng vốn còn do khó khăn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tê liệt vì một số vụ việc ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, để gỡ nghẽn cho nền kinh tế, phải coi trọng gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm đến hết tháng 11-2022, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm 56%. Trên thực tế, doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng tốt và minh bạch vẫn có nhiều cơ hội và động lực để thu hút nguồn vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food huy động thành công 1.000 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) huy động thành công 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm.
Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Điểm mới quan trọng của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là đề ra các yêu cầu khắt khe hơn về năng lực và hồ sơ phát hành minh bạch, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp...
Đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng lo âu tìm vốn đầu tư suốt nhiều tháng qua mà còn tạo lập cơ sở pháp lý và củng cố niềm tin vào sự phục hồi dòng vốn huy động trên thị trường chứng khoán thời gian tới.
Việc cải thiện dòng tiền còn cần đến các giải pháp khác, như chính sách bán hàng linh hoạt, bán sỉ hoặc chiết khấu mạnh và gia tăng các hoạt động M&A (hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại một phần cổ phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp), thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn mạnh, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Tóm lại, việc giải bài toán kép bảo đảm mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa không để khô cạn dòng tiền cho kinh doanh là yêu cầu cấp thiết, phức tạp, đòi hỏi việc điều hành linh hoạt hơn trong các chính sách tiền tệ-tín dụng và phát triển thị trường vốn. Thị trường vốn phát triển đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn trên thị trường này, thay vì chỉ trông cậy vào dòng tiền tín dụng ngân hàng truyền thống.