Bài toán hiểm hóc của điện ảnh Việt?

01-11-2012 10:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sự phong phú của các dòng phim hiện đang là thế mạnh của điện ảnh Việt. Mải mê trong những phim thần tượng, ca nhạc, lịch sử, kinh dị, chính luận...,

(SKDS) - Sự phong phú của các dòng phim hiện đang là thế mạnh của điện ảnh Việt. Mải mê trong những phim thần tượng, ca nhạc, lịch sử, kinh dị, chính luận..., chúng ta vẫn chưa thể có được những tác phẩm xuất sắc tầm cỡ quốc tế. Xông xáo là vậy nhưng điều dễ nhận thấy là đối với dòng phim đề tài thiên tai, thảm họa, rất ít những nhà sản xuất dám đầu tư một cách nghiêm túc, quy mô.

Những siêu phẩm tái hiện thiên tai, thảm họa

Với những ý tưởng tầm cỡ, mức đầu tư khổng lồ, điện ảnh thế giới từng ghi nhận những bộ phim đề tài thiên tai, thảm họa xuất sắc. Trên nền những sự kiện chấn động ấy, thân phận con người, thời đại hiện ra, gây xúc động mạnh mẽ cho khán giả.

Thảm họa đắm tàu trong siêu phẩm Titanic có lẽ là bối cảnh gây ấn tượng sâu đậm nhất cho khán giả yêu điện ảnh nhiều thế hệ. Sự tinh tế của góc quay và hiệu ứng của kỹ xảo đã làm nên giá trị nghệ thuật cũng như thương mại mang tính biểu tượng dẫn đầu của làng điện ảnh thế giới. Sức hút của bộ phim còn mạnh mẽ đến mức xóa nhòa ranh giới giữa sự thực và phim ảnh. Ở đó, sức mạnh của biển khơi và tình yêu của con người hòa quyện lại thành một bản bi ca lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả.

 Một cảnh trong phim Rừng đen.
Còn nhớ năm 2009, phim “bom tấn” của Hàn Quốc - Sóng thần ở Haeundae tái hiện lại thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Busan đã gây sửng sốt trên thế giới. Một phần bởi sức hút của dàn diễn viên thực lực nổi tiếng Ha Ji Won Park Jung Hoon, Uhm Jung Hwa, Seol Kyung Gu nhưng lớn hơn nữa là cách mà bộ phim thể hiện sinh động và chân thực phản ứng và biến đổi tính cách con người trước, trong và sau thảm họa kinh hoàng.
 
1 năm sau đó, khán giả yêu điện ảnh lại một lần nữa rung động thực sự bởi tinh thần tuyệt vời mà Đường Sơn đại địa chấn - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết về trận động đất kinh hoàng ở Đường Sơn (Trung Quốc) những thập niên 70 của đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Tình yêu, tình mẫu tử, tình người đã được chuyển tải một cách xuất sắc trên bối cảnh thảm họa, đưa bộ phim trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc.

Những khán giả trung thành của dòng phim thảm họa, thiên tai sẽ còn nhắc đến những tác phẩm để đời trong tâm trí họ. Đó là Deep Impac, Backdraft, War of The World, Volcano, Armageddon, The Day After Tomorrow, 2012 - Năm đại họa, Thảm họa Los Angeles... Cùng với thành công của phim, những ca khúc và ngành du lịch khám phá cũng phất lên như diều gặp gió.

Hãy thử sức với phim đề tài thiên tai, thảm họa

Trông người lại ngẫm đến ta, trong khi điện ảnh thế giới đang bùng nổ với những đề tài thu hút sự chú ý của dư luận, những sự kiện gây chấn động mạnh về mặt cảm quan, chúng ta lại chỉ quanh quẩn với những câu chuyện đời thường, yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia tay. Vì những lý do khác nhau, điện ảnh Việt khó chạm đến được những thước phim hoành tráng, có sức lan tỏa sâu sắc.

Kinh phí là vấn đề muôn thuở của điện ảnh Việt. Khi những cố gắng về kinh phí đi vào ngõ cụt, ý tưởng vẫn sẽ chỉ mãi là ý tưởng hoặc chúng ta chỉ có thể làm những bộ phim thường thường bậc trung. Đâu đó trong những thước phim, chúng ta đã thấy được lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa thể chạm đến mối rung động sâu sắc, mất mát và những bài học nhân sinh rút ra từ các thiên tai, thảm họa. Chính vì vậy, hiếm hoi lắm mới có trường hợp gây ấn tượng khá sâu như Rừng đen (đạo diễn Vương Đức), Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh).

Không nghiêm ngặt về nguyên bản sự thật giống như phim tài liệu, phim điện ảnh là sự giao thoa giữa nguồn tư liệu và giá trị nghệ thuật. Thông qua những bối cảnh, sự việc gây chú ý về mặt cộng đồng, những mảnh đời, thân phận, bước ngoặt éo le hiện ra trên cái nền sinh động ấy. Cơn dư chấn ngầm từ những thiên tai, thảm họa cũng từ đó khơi gợi những giá trị nhân sinh, nhân bản mà những lời kêu gọi hoặc phông nền sự kiện tầm vĩ mô khó lòng chạm tới được.

Chúng ta có những tiền đề cho việc ra đời những bộ phim đề tài thiên tai, thảm họa có sức chấn động. Đó là nguồn tư liệu phong phú từ văn chương, từ các sự kiện có thật và một thế hệ đạo diễn trẻ khao khát sống chết với nghề. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là vẫn chưa đủ vốn và sự táo bạo, can đảm để đi đường trường. Chừng nào chưa giải quyết triệt để những khó khăn ấy, làm phim hay, có sức chấn động sâu sắc về đề tài thiên tai, thảm họa còn là một bài toán hiểm hóc.       

Sa Nam


Ý kiến của bạn