Bài toán đảm bảo tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDS

30-11-2018 08:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc thanh toán thuốc kháng HIV (ARV) từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT là một trong những hoạt động nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc ARV trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần và có thể chấm dứt hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp sau năm 2020.

Bắt đầu từ 1/1/2019 sẽ tiến hành chi trả thuốc ARV qua BHYT tại một số điểm điều trị ARV ở nước ta. Để hiểu rõ hơn việc triển khai vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục tưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Bài toán đảm bảo tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDS

TS. Nguyễn Hoàng Long.

Phóng viên: Thưa TS, mặc dù thời gian qua nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Vậy TS có thể chia sẻ về những khó khăn này?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó, những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế được điều trị ARV sớm.

Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó, các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, hầu như chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương...

PV: Được biết, để tháo gỡ bài toán về nguồn lực tài chính, một trong những giải pháp là thanh toán thuốc kháng virut (ARV) điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ BHYT. TS có thể cho biết về tiến độ triển khai này?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Để triển khai vấn đề này có rất nhiều việc phải làm như:

Kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT: Bộ Y tế đã có 3 văn bản hướng dẫn chuyên môn, tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay, hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất 1 dịch vụ từ nguồn Quỹ BHYT (tính đến 31/10/2018). Trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019 thì 186 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, sẵn sàng nhận thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trước 1/1/2019.

Mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV: Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 89% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT. Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy từ tùy thân đã được giải quyết thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.

Đấu thầu thuốc ARV nguồn BHYT: Bộ Y tế đã lựa chọn phác đồ bậc 1 với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam như tenofovir/lamivudine/efavirenz 300/300/600mg và zidovudine/lamivudine/nevirapine 300/150/200mg; huy động nguồn các chương trình, dự án viện trợ quốc tế để mua phác đồ bậc 2 và thuốc nhi toàn quốc. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh tổng hợp, tính toán nhu cầu thuốc ARV BHYT 2019, gửi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để mua sắm. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh.

Ký Hợp đồng cung ứng thuốc: Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ định là đơn vị ký hợp đồng với nhà cung ứng thuốc. Hiện nay, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đang tiến hành các thủ tục ký hợp đồng với nhà cung ứng.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn các cơ sở điều trị lập kế hoạch tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT; quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người nhiễm HIV hiểu và chủ động tham gia BHYT...

Bài toán đảm bảo tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDSTừ 1/1/2019 sẽ tiến hành thanh toán thuốc ARV qua Quỹ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS.

PV: Vậy khó khăn trong việc thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV là gì và có cách nào để tháo gỡ, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp, trong khi điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay, đã có 35/63 tỉnh, thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án cùng 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020...

PV: Xin cảm ơn TS!


Hải Hà (thực hiện)
Ý kiến của bạn