Bài thuốc từ tỏa dương tăng sức mạnh cho quý ông

24-02-2019 07:15 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Tỏa dương có hình thù như một cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, cấu tạo bởi một cán hoa lớn. Vị thuốc này còn có tên là củ gió đất, củ ngọn núi, hoa đất, thường ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp...

Tỏa dương được dùng làm thuốc bổ thận, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương; hoặc điều trị chứng mệt mỏi kém ăn, nhức mỏi chân tay.

Sách “Biển thước tâm thư” viết: “Già lão thì khí suy nên chân tay không ấm, nguyên khí ở đan điền bị hư tổn, hoạt động ngày càng chậm chạp, khó khăn; dương khí toàn thân không có đầy đủ thì nơi xa nhất như đầu ngón chân tay mỏi, bị lạnh, tê nhức với cảm giác kiến bò trong xương... Để bổ sung dương khí lúc này nên dùng tỏa dương…”.

Trong Đông y, tỏa dương tính ôn, vị ngọt, không độc, lợi về kinh tỳ, thận, đại tràng, có công hiệu bổ thận dương, ích tinh, bổ huyết, nhuận tràng, thông tiện, chữa liệt dương, xuất tinh sớm... Mỗi ngày dùng 8-12g dưới dạng thuốc sắc.

Dưới đây là một số món ăn bài thuốc điển hình:

Bài thuốc trị hoạt tinh, di tinh, sinh lý yếu, mệt mỏi: Tỏa dương 120g, tang phiêu tiêu 120g, long cốt 40g, bạch phục linh 40g. Tất cả tán mịn, hoàn to bằng hạt ngô, mỗi lần uống 15-20g với nước muối loãng. Ngày uống hai lần.

Rượu tỏa dương: Tỏa dương 30g, rượu trắng 500ml. Ngâm 10-15 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml. Công dụng bổ thận, chữa liệt dương.

Bài thuốc từ tỏa dương tăng sức mạnh cho quý ôngNấm tỏa dương bổ thận dương, ích tinh, bổ huyết.

Tỏa dương ninh cật dê: Tỏa dương 20g, cật dê 1 đôi, gia vị vừa đủ. Hầm mềm. Công dụng: chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, liệt dương, di tinh, đổ mồ hôi trộm, quáng gà, ăn uống không ngon miệng.

Tỏa dương hầm gà trống: tỏa dương 12g, kim anh tử 12g, đảng sâm 12g, sơn dược 12g, ngũ vị tử 9 g, gà trống giò 1 con (500g). Các vị thuốc cho vào túi vải sắc lấy nước. Thả gà vào hầm mềm, chia ăn 2-3 lần trong ngày. Cách 3-5 ngày ăn 1 lần. Chữa thận hư, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm.

Tỏa dương thông tiện thang: Tỏa dương 16g, đương quy 16g, hỏa ma nhân 13g, mật ong 30ml. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng cho người đại tiện táo.

Tỏa dương kim anh tử: Tỏa dương 9g, kim anh tử 9g, tri mẫu 9g, ngũ vị tử 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng trị mộng tinh, hoạt tinh.

Cháo tỏa dương: Tỏa dương 15g, gạo tẻ 50g. Tỏa dương rửa sạch, thái miếng mỏng, cho vào cùng gạo nấu cháo, ăn hết 1 lần. Công dụng: trị thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng, người cao tuổi dương hư, đại tiện táo.

Cháo tỏa dương thịt dê: tỏa dương 15g, thịt dê 100g, gạo lứt 100g, gừng, hành, gia vị vừa đủ. Tỏa dương sắc lấy nước, cho thịt dê, gạo lứt vào hầm chín, thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng trị thận dương bất túc, xuất tinh sớm, lưng đau gối mỏi, tiểu đêm nhiều lần, chậm có thai.

Tỏa dương tang thậm mật: Tỏa dương 15g, quả dâu 15g, mật ong 30g. Tỏa dương và quả dâu sắc lấy nước, thêm mật ong vào quấy đều uống. Dùng cho người già, dương hư, khí nhược, đại tiện táo, nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Tỏa dương cường dương: Tỏa dương 15g, đảng sâm 12g, sơn dược 12g, phúc bồn tử 9g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng cường dương chữa xuất tinh sớm, liệt dương.

Tỏa dương hoàn: Tỏa dương, hoàng bá, quy bản, hoàng cầm, đỗ trọng, ngưu tất, tri mẫu mỗi thứ 16g, địa hoàng, đương quy mỗi thứ 10g, phá cố chỉ, tục đoạn mỗi thứ 8g. Tán bột mịn, trộn đều với rượu và hồ hoàn viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20g. Thuốc có tác dụng bổ thận, nhuận trường, thông tiện; chữa các chứng đau lưng mỏi gối, các khớp đau nhức, đại tiện khô táo kết gây đau bụng, các bệnh xương khớp.


ThS.BS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn