Cảm hứng viết bài này là nỗi xúc động khi nhớ hành trình theo hành trình của Bác, đặc biệt là từ tiểu sử về quãng đời bôn ba cách mạng của Người. Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lại nhớ đến kỷ niệm lớn làm phim về Người trên đất Trung Hoa 27 năm về trước.
Đi nhiều nơi theo dấu chân nhà cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh, lúc ấy và đến nay tôi vẫn chưa hiểu vì sao con người gày gò phải chịu tù đày, ốm đau, thiếu đói lại có thể cuốc bộ dẻo dai, nhẫn nại ngay lúc bị áp giải, theo dõi, cho đến khi đã lớn tuổi, khai sinh ra một nước độc lập. Không chỉ là bài thuốc tự sinh mà nhờ ý chí siêu thường của Bác. Làm phim về Hồ Chí Minh là dấu ấn nổi trội trong sự nghiệp của tôi, đó không chỉ là một lãnh tụ, danh nhân văn hóa thế giới, một nghệ sĩ, mà còn là người bộ hành vĩ đại. Chùm phim được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của tôi, có Truyền kỳ, gồm 3 tập: Hình bóng tổ tiên, Truyền kỳ sự thật, Hồ Chí Minh - Hình ảnh của Người. Bộ phim tầm vóc mà tôi rất tâm đắc là Hồ Chí Minh với Trung Quốc (71 phút), tôi là biên kịch và đạo diễn cùng đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh An (1934-2011). Thanh An người Triệu Phong, Quảng Trị, là chồng ca sĩ, NSND Thanh Huyền. Khi ấy, Thanh An là Phó Tổng thư ký Thường trực của Hội Điện ảnh Việt Nam còn đạo diễn Đặng Nhật Minh là Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam kiêm Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh, nên là Giám đốc sản xuất của phim này. Chúng tôi lên đường sang Trung Quốc, quay phim chính Hoàng Tấn Phát - Quốc Thành.
Từ trái sang: nhà văn Trung Trung Đỉnh, Ngô Thảo, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và đạo diễn Đào Trọng Khánh gặp nhau tại lễ giỗ đầu nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại Hải Phòng.
Trên đất Trung Quốc, chúng tôi đã đến những nơi Bác hoạt động và bị tù đày: Quế Lâm, Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh... Tôi đã 3 lần sang Trung Quốc. Đoàn đến hầu hết những nơi Bác từng hoạt động, đến cả Thúy Hồ - nơi Hồ Chí Minh gặp Võ Nguyên Giáp, Tây Hồ - nơi Phạm Lãi lang thang cùng Tây Thi. Chẳng nhân vật tầm cỡ nào ở đại lục rộng lớn ấy có dấu ấn quốc tế như Hồ Chí Minh. Không cuộc gặp nào khiến tôi xúc động như được “gặp” Bác trên nhiều địa danh của Trung Hoa. Nhà văn Sơn Tùng, người được trời cho cơ duyên biết nhiều chuyện chưa mấy ai biết về Bác Hồ, có lần nói: “Trên thế gian này, có lẽ chỉ Bác Hồ là người đi bộ nhiều nhất trong suốt cuộc đời. Từ khi lên 5 tuổi đã theo cha mẹ vượt đèo Ngang vào Huế. Đến khi sắp từ giã cõi đời, Người vẫn mơ ước được đi bộ vượt Trường Sơn vào với đồng bào miền Nam. Mỗi lần nhớ đến đồng bào, Bác Hồ lại khóc!”.
Mùa hè năm 1950, Sơn Tùng được nghe cụ Cả Khiêm, anh ruột Bác Hồ kể: “Quãng năm 1895, hai anh em Bác Hồ, thuở ấy còn mang tên Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung, theo bố mẹ đi bộ từ Nam Đàn vào kinh đô Huế, cứ dọc đường cái quan mà đi, mỗi người mang một đôi dép mo cau, lúc nào rách lại thay đôi khác”.
Ông Sắc cõng Sinh Cung rảo bước. Bà Loan gồng gánh đồ đoàn, dắt tay Sinh Khiêm cặm cụi theo sau. Sinh Cung 5 tuổi được cha cõng trên lưng, thấy Hoành Sơn có con đường mòn đất đỏ vắt qua đẹp quá, reo lên thành thơ: “Núi cõng con đường mòn/ Cha thì cõng theo con/ Núi nằm ì một chỗ/ Cha đi cúi lom khom/ Đường bám lì lưng núi/ Con tập chạy lon ton/Cha siêng hơn hòn núi/ Con đường lười hơn con!”. Bài thơ được cụ Cả Khiêm chép lại trong tập Tất Đạt tự ngôn. Năm 1950, cụ đem cho nhà văn Sơn Tùng vài tháng trước khi cụ mất.
Sau 6 năm ở Huế, tháng 2/1901, mẹ qua đời, hai anh em lại theo cha đi bộ về Kim Liên, Nam Đàn. Đường xuyên Việt những năm đầu thế kỷ xuyên qua truông rậm, núi cao. Chiều tối đến những chặng đường hoang vắng, thú dữ rình người.
Tháng 6/1906, ba cha con lại đi bộ từ Nam Đàn vào Huế lần nữa, đường xa đến vài trăm cây số, đi bộ mãi thành quen, cũng trở nên gần, người đi không còn thấy ngại!
Năm 1908, Nguyễn Tất Thành bị buộc phải thôi học ở Trường Quốc học Huế, vì đã tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân. Tháng 7/1909, để tránh bị chính quyền theo dõi, Nguyễn Tất Thành đi bộ về phương Nam, tới Sài Gòn, hy vọng tìm đường ra nước ngoài. Từ Huế đến Bình Khê tỉnh Bình Định, nơi ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm tri huyện, khoảng 300 cây số, Tất Thành ghé thăm cha, rồi lại đi tiếp vào Phan Rang, giữa lúc cơn bão lớn ngoài khơi tràn vào cảng.
Sau này, khi làm phim về đất nước, tôi nhiều lần đi dọc miền Trung. Phong cảnh khiến tôi mường tượng thấy hình bóng của Bác cắm cúi giữa con đường vượt qua những đỉnh đèo cao. Tháng 7, vào mùa nắng dữ, các bụi tre gai bên đường vào Phan Rang hàng trăm cây số hoang dã, khô cháy một màu chết chóc, không một bóng người. Toàn thân chết khát, hai bàn chân bỏng rộp, lê bước trên đường, 19 tuổi, Người một mình đi bộ đến được Sài Gòn!
Đầu năm 1990, ở Trung Quốc, tôi từ Nam Ninh về Tĩnh Tây, với ý định thăm nơi Bác ở và hoạt động cách mạng quãng năm 1942, khởi đầu cho chuyến đi bộ gian nan cực khổ nhất trong đời hoạt động của Bác, chuyến đi Nhật ký trong tù. Tĩnh Tây là huyện của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Huyện này giáp với tỉnh Cao Bằng, nhiều cửa khẩu sang Việt Nam là Long Bang, Bình Mãng, Khoa Giáp, Thạch Long, Nhạc Vu...
...Hạ tuần tháng 8/1942, cụ Hồ từ Pác Bó sang Tĩnh Tây, dừng chân ở Pà Mông, nhờ một người anh em trong xóm là Dương Thao dẫn đường đi Trùng Khánh tìm gặp Chu Ân Lai và phái đoàn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không may, đến chợ Túc Vinh huyện Đức Bảo, hai thầy trò bị bọn hương dũng Quốc dân Đảng bắt giam. Từ nhà giam chuyên khu Tĩnh Tây, ngày 29/8/1942, cụ Hồ bị áp giải qua các huyện và thành phố: Điền Đông, Thiên Đằng, Long An, Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Liễu Châu, Quế Lâm... Trải qua mười mấy nhà giam, đến ngày 10/9/1943, mới được trả tự do ở Liễu Châu, tính ra vừa hết 1 năm 12 ngày. Đây là chuyến đi bộ cực khổ tột cùng. Đường dài sỏi đá gập ghềnh, vượt qua núi cao vực thẳm. Mùa hè, những cánh đồng khô cháy, nắng như đội lửa; mùa đông gió cắt thịt da, đường sá mêng mang không một bóng người. Chỉ có người tù và toán lính áp giải lê bước trên đường: “Dạ như hắc ám dĩ đăng trình/ Lộ hựu khi khu thậm bất bình” (Còn tối như bưng đã phải đi/ Đường đi khúc khuỷu lại gồ ghề); “Nhật hành ngũ thập tam công lý/ Thấp tận y quan phá tận hài” (Năm mươi ba cây số một ngày/ Áo mũ dầm mưa, rách hết giày). Bụng đói, cật rét, tay bị trói, cổ bị xiềng, run rẩy suốt lộ trình dằng dặc như thế, dù là người thép cũng không chịu nổi! Vậy mà Người đã vượt qua để rồi bao nhiêu gian lao, khổ hận, núi thẳm, non cao cuối cùng chỉ còn đọng lại trong một tứ thơ, một tư tưởng Hồ Chí Minh thanh thản, tận cùng: “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan/ Tùng sơn chi ngoại hựu trùng sơn/ Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu/ Vạn lý dư đồ cố phán gian” (Đi đường mới biết gian nan/Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non).
Tháng 10/1944, Bác Hồ qua biên giới Việt - Trung, đi bộ về Pác Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Đồng chí Dương Đại Lâm được tin báo, chạy ra đón Bác ở chợ Cọt Mà, bàng hoàng nhìn thấy: “Ông cụ người cao gày, đôi mắt sâu quầng, đầu đội nón sơn, mặc bộ quần áo bạc màu, chân đi hài xảo bằng mo tre, dây cứa đứt cả mu bàn chân, còn gót chân thì loét máu”. Bác yếu nhiều, vừa leo núi vừa thở. Đại Lâm mấy lần xin mang hộ hành lý của Bác, ông cụ gạt đi: “Chú cứ lo lấy cái phần của chú!”. Đi từ sáng đến chiều tối về tới Khum Đắc. Các đồng chí được gần Bác ở Cao Bằng kể lại: “Ở Pác Bó, Bác thường hay đi chơi núi. Núi cao là niềm ham mê của Bác. Con đường mòn lên núi nhiều gai góc, dây leo chằng chịt, đá nhọn chắn đường, lau già trổ cờ trắng bạc ngả sang hai bên lấp mất lối. Bác leo tít lên đỉnh núi cao, có khi lại xuống thật sâu dưới thung lũng. Cả người Bác, cả tâm hồn Bác như hòa vào với núi”.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bác vẫn thường đi bộ. Những thước phim tư liệu ghi hình ảnh Bác chống gậy xuyên rừng, lội suối, đôi khi thấy Bác cưỡi ngựa qua đèo hay ngồi trên xe Jeep cũ, lúc Bác đẩy xe, quay “maniven” giúp lái xe khi xe chết máy. Song thường xuyên chỉ thấy Người đi bộ, dép lốp, gậy tre, mũ cát, khăn mặt vắt vai. Tuổi cao, chân mỏi, lúc nghỉ, Bác dùng nước giải tự bóp chân theo cách chữa bệnh của các cụ truyền lại. Chỉ nhờ bài thuốc tự sinh này mà đôi chân dẻo dai đã giúp Bác đi bộ hàng ngàn cây số suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ cho đến ngày Bác cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội.
Những năm cuối đời của Bác, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Bác không ngày nào không lo lắng, theo dõi tin tức của chiến sĩ và đồng bào trong Nam. Bác yêu cầu khi nào đoàn ở miền Nam ra, phải báo cáo ngay để Bác gặp. Nay xem lại phim tư liệu ghi rõ những cuộc gặp của Bác với cán bộ và chiến sĩ miền Nam, càng thêm thương Bác! Lần nào Bác cũng hỏi thăm cặn kẽ đường đi vào Nam như thế nào, dọc Trường Sơn phải qua những đâu?... Trong lòng Bác phải tha thiết một ước mong đi bộ dọc Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, chiến sĩ. Bác chính thức nêu vấn đề này với Bộ Chính trị và đề nghị tổ chức cho Bác một chuyến đi. Bác hăng hái chuẩn bị. Biết mình sức khỏe đã yếu, hằng ngày Bác cùng với ông Tam, bảo vệ của Bác, đồng hương, nay đã qua đời, hai bác cháu đeo ba lô, tập đi bộ trong khu vườn cây rộng lớn của Phủ Chủ tịch. Bác không theo lối quen thuộc mà tự vạch ra đường đi riêng, xuyên qua bụi cây rậm trong vườn. Bác nói với ông Tam: “Chú muốn vượt Trường Sơn với Bác thì phải biết vạch đường mà đi”. Tháng 8/1969, Bác nằm giường bệnh, biết mình không thể tiếp tục đi bộ được nữa rồi! Lòng Bác vẫn không nguôi nhớ về miền Nam, nhớ những rặng núi xa...
Nhiều năm sau, đường vào Nam làm phim, một đêm trên đỉnh Trường Sơn, tôi nghe các chiến sĩ hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác, ngước lên đỉnh núi cao, chợt thấy rùng mình. Bác vừa đi qua đỉnh núi?... Hay ánh trăng xanh mờ nhạt... Có ai nói: Hồn thiêng của Bác trên đường về Nam đã nhập vào dãy Trường Sơn!
Trong thời hiện đại, siêu tốc, siêu nhanh và nhiều thứ siêu bây giờ, liệu có “siêu nhân” nào thực hiện nổi cuộc bộ hành như Bác?