Bài thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng

26-05-2013 14:17 | Y học cổ truyền
google news

Viêm loét dạ dày tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống, vị thống của y học cổ truyền. Nguyên nhân gây bệnh do tình chí bị kích thích, can khí uất kết, mất khả năng sơ tiết làm rối loạn khí cơ, thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra đau, ợ hơi, ợ chua...;

Viêm loét dạ dày tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống, vị thống của y học cổ truyền. Nguyên nhân gây bệnh do tình chí bị kích thích, can khí uất kết, mất khả năng sơ tiết làm rối loạn khí cơ, thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra đau, ợ hơi, ợ chua...; hoặc do ăn uống thất thường làm tỳ vị bị tổn thương, mất khả năng kiện vận, ngoại tà nhân đó xâm nhập gây khí trệ huyết ứ sinh ra đau. Sau đây là các bài thuốc trị theo từng thể bệnh.

Thể can khí phạm vị (can tỳ bất hòa, can mộc khắc tỳ thổ...): được chia làm 2 thể nhỏ:

Thể khí trệ (còn gọi khí uất): Người bệnh đau vùng thượng vị, đau từng cơn, đau lan ra hai mạng sườn, xuyên ra sau lưng, bụng đầy chướng, ấn đau (cự án), ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng, mạch huyền. Phương pháp chữa là hòa can lý khí (sơcan giải uất). Dùng một trong các bài:

Bài 1: lá khôi 10g, chút chít 10g, bồ công anh 12g, nhân trần 12g, lá khổ sâm 12g. Tất cả tán bột, ngày uống 30g với nước sôi để nguội.

Bài 2: mai mực, cam thảo, hàn the phi, mẫu lệ nung, gạo tẻ, hoàng bá, kê nội kim lượng bằng nhau. Tất cả sấy khô, tán bột ngày uống 20 - 30g.

Bài 3: Sài hồ sơ can thang: sài hồ 12g, chỉ xác 8g, bạch thược 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g, hương phụ 8g, thanh bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu đau nhiều thêm khổ luyện tử 8g, diên hồ sách 8g; ợ chua nhiều them mai mực 20g.

Thể hỏa uất: Người bệnh đau nhiều vùng thượng vị, đau rát, cự án, miệng khô ợ chua, đắng miệng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Phương pháp chữa là sơ can tán nhiệt, thanh hòa vị.

Dùng một trong các bài:

Bài 1: thổ phục linh 16g, lá độc lực 8g, bồ công anh 16g, vỏ bưởi bung 8g, nghệ vàng 12g, kim ngân 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: hoàng cầm 16g, sơn chi 12g, hoàng liên 18g, ngô thù 2g, mai mực 20g, mạch nha 20g, cam thảo 6g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Nếu can hỏa làm tổn thương phần âm dùng bài “Thanh can ẩm”: sinh địa 12g, sơn thù 8g, phục linh 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, đương quy 8g, chi tử 8g, sài hồ 12g, bạch thược 12g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể tỳ vị hư hàn: Người bệnh đau vùng thượng vị liên miên, nôn nhiều, mệt mỏi, thích xoa bóp, chườm nóng, đầy bụng, nôn ra nước trong, sợ lạnh, chân tay lạnh, đại tiện phân nát có lúc táo, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt, mạch hư tế. Phương pháp chữa là ôn trung kiện tỳ, ôn bổ tỳ vị, ôn vị kiện trung.

Dùng một trong các bài:

Bài 1: bố chính sâm 12g, lá khôi 20g, gừng 4g, nam mộc hương 10g, bán hạ chế 8g, sa nhân 10g, trần bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: hoàng kỳ 16g, sinh khương 6g, cam thảo 6g, hương phụ 8g, quế chi 8g, bạch thược 8g, đại táo 12g, cao lương khương 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đầy bụng ợ hơi (khí trệ) thêm chỉ xác, mộc hương mỗi thứ 6g; trong bụng óc ách nước, nôn ra nước trong bỏ quế chi, thêm bán hạ chế 8g, phục linh 8g.

Bài 3: ô mai 10 quả, phụ tử chế 8g, quế chi 8g, tế tân 8g, đẳng sâm 12g, hoàng bá 18g, hoàng liên 8g, can khương 8g, đương quy 8g, sa tiền 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lương y THÁI HÒE


Ý kiến của bạn