Hà Nội

Bài thuốc trị viêm khớp dạng thấp cấp tính

SKĐS - Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Bệnh thường kéo dài, có những đợt tiến triển cấp tính gây đỏ, sưng dẫn đến đau và xơ cứng khớp lưng, khớp gối, khớp bàn tay, bàn chân. Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.

Viêm khớp dạng thấp y học cổ truyền gọi là phong thấp nhiệt tý. Người bệnh có triệu chứng co duỗi cử động khó khăn, sốt, ra mồ hôi; các khớp sưng, nóng, đỏ đau (hay xuất hiện đối xứng); cự án, ngày nhẹ đêm nặng; sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, mạch hoạt sác. Phép chữa là khu phong thanh nhiệt hóa thấp.  Sau đây là một số bài thuốc và món ăn hỗ trợ điều trị bệnh.

Viêm khớp dạng thấp thường kéo dài, có những đợt tiến triển cấp tính gây đỏ, sưng dẫn đến đau và xơ cứng khớp...

Viêm khớp dạng thấp thường kéo dài, có những đợt tiến triển cấp tính gây đỏ, sưng dẫn đến đau và xơ cứng khớp...

Bài thuốc uống

Trị phong thấp nhiệt tý biểu hiện sốt cao, khớp xương đau mỏi, đau sưng các khớp: Dùng bài Bạch hổ quế chi thang gia giảm: Thạch cao 40g, tri mẫu 12g, quế chi 6g, hoàng bá 12g, thương truật 8g, tang chi 12g, ngạnh mễ 12g, kim ngân 20g, phòng kỷ 12g. Sắc uống. Nếu có hồng ban hoặc khớp sưng đỏ nhiều, thêm đan bì 12g, xích thược 8g, sinh địa 20g. Tác dụng thanh nhiệt, thông lạc, hòa dinh vệ.

Chữa phong hàn thấp tý, biểu hiện khớp các chi đau nhức, nóng rát: Dùng bài Quế chi thược dược tri mẫu thang gia giảm: Quế chi 8g, thược dược 12g, cam thảo 6g, ma hoàng 8g, tri mẫu 12g, bạch truật 12g, phòng phong 12g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g. Sắc uống.

Chữa phong hàn thấp tý, biểu hiện đau nhức các khớp: Dùng bài: Rễ cây vòi voi 16g, thổ phục linh 16g, nam độc lực 10g, rễ cây cà gai leo 10g, rễ cây cúc áo 10g, hy thiêm 16g, ngưu tất 12g, huyết dụ 10g, kê huyết đằng 12g, sinh địa 12g. Sắc uống.

Nếu các khớp sưng đau kéo dài, sốt nhẹ, nhiều mồ hôi, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác: YHCT gọi là thấp nhiệt thương âm. Phép trị là bổ âm, thanh nhiệt, khu phong trừ thấp. Dùng các bài thuốc trên, bỏ quế chi; thêm các thuốc dưỡng âm thanh nhiệt: sinh địa, huyền sâm, địa cốt bì, sa sâm, miết giáp, thạch hộc...

Món ăn và rượu thuốc hỗ trợ chữa bệnh

Cháo hành phòng phong: Phòng phong 12-16g, gạo tẻ 60g, hành sống 2 củ. Phòng phong sắc lấy nước. Gạo tẻ vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước sắc phòng phong vào đun sôi, thêm hành sống băm nhỏ vào, đảo đều. Dùng tốt cho người đau sưng khớp (phong thấp).

Cháo quế chi phòng phong ý dĩ: Gạo tẻ 100g, ý dĩ 30g, quế chi 10g, sinh khương 10g, phòng phong 12g. Cả 3 dược liệu sắc lấy nước. Gạo và ý dĩ vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước sắc dược liệu vào khuấy đều, đun sôi lại. Ngày nấu 1 lần chia 2 ăn lần (sáng, chiều). Thích hợp cho người viêm khớp đau khớp.

Thịt dê hầm rễ ớt: Rễ ớt 60g rửa sạch chặt khúc, thịt dê 100 - 150g thái lát trộn đều, hầm chín, thêm muối gia vị, ăn trong ngày. Dùng tốt cho người phong thấp đau sưng khớp.

Gà hầm ngưu bàng căn: Gà giò 1 con, ngưu bàng căn 20-30g. Gà làm sạch, luộc chín, róc bỏ xương, cho ngưu bàng thái lát và muối ăn vào; hầm chín nhừ. Ăn trong ngày. Thích hợp cho người cơ thể suy nhược, hai chân yếu mỏi.

Canh cá chim hạt dẻ: Cá chim 250g, hạt dẻ (đã đập vỏ) 15-20 hạt, thêm gia vị thích hợp, nấu canh. Dùng tốt cho người bị phong thấp, thoái hóa xương khớp gây đau nhức tay chân, đau lưng mỏi gối, yếu mỏi tay chân.

Lươn nướng lá lốt: Lươn 1 con (tuốt sạch nhớt, bỏ ruột, xương) thêm gừng tỏi, muối tiêu, dùng lá xương sông hoặc lá lốt gói lại, nướng chín. Tốt cho người phong thấp đau sưng khớp, trĩ xuất huyết.

Rượu thiên ma: Thiên ma 100g thái lát, rượu trắng 500ml; đem ngâm sau 7-10 ngày, mỗi ngày uốngg 30ml trong bữa ăn. Dùng cho người phong thấp tê bại tay chân.

Rượu dâm dương hoắc: Dâm dương hoắc 100g, rượu 500ml, ngâm 7 ngày, hàng ngày lắc đều. Mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 20-30ml. Dùng cho người bị phong thấp (đau nhức xương khớp, liệt dương di tinh).

Kết hợp châm cứu các huyệt tại các vùng sưng đau, vùng lân cận và các huyệt: hợp cốc, phong môn, túc tam lý, huyết hải, đại chùy...

Vị trí huyệt

Hợp cốc: Kẹp ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Phong môn: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 2 ra ngang 1,5 thốn.

Túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chầy), từ đó đo ra 1 tấc là huyệt.

Huyết hải: Mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 2 tấc, huyệt nằm trong khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong, ấn vào có cảm giác ê tức.

Ðại chùy: Người bệnh ngồi hơi cúi đầu xuống một ít, phần dưới cổ nổi lên từ 1-3 u xương tròn, đặt lên mỗi u xương 1 ngón tay rồi bảo người bệnh quay đầu qua lại về bên phải, bên trái, cúi ngửa, u xương tròn nào cao nhất động đậy dưới ngón tay nhiều là đốt sống cổ 7, huyệt ở chỗ lõm ngay dưới đầu mỏm gai của đốt này.


BS. Phương Thảo
Ý kiến của bạn