Bài thuốc trị viêm amidan

20-11-2019 16:18 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em, người trưởng thành cũng mắc nhưng ít hơn.

Bệnh hay gặp khi chuyển mùa, khí hậu thay đổi thất thường và thường tái đi tái lại. Nếu không được điều trị sớm và triệt để rất dễ dẫn đến viêm phế quản, phổi. Dưới đây là một số bài thuốc thường dùng trị viêm amidan cấp và mạn.

Viêm amidan cấp

Y học cổ truyền gọi là hầu nga hay phong nhiệt nhũ nga. Nguyên nhân do nhiệt độc ở phế vị bên trong kết hợp với phong nhiệt bên ngoài gây ra. Bệnh được chia làm 2 thể:

Thể nhẹ (ngoại cảm phong nhiệt): Người bệnh có biểu hiện sợ lạnh, nhức đầu, amidan sưng đỏ, họng đau, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch phù hoạt sác. Phương pháp chữa: Sơ phong thanh nhiệt, tân lương giải biểu.

Viêm amidan thường gặp ở trẻ em, dễ tái đi tái lại. Nếu không được điều trị sớm và triệt để rất dễ dẫn đến viêm phế quản, phổi.

Viêm amidan thường gặp ở trẻ em, dễ tái đi tái lại. Nếu không được điều trị sớm và triệt để rất dễ dẫn đến viêm phế quản, phổi.

Bài 1 - Ngân kiều tán gia giảm: kim ngân hoa, huyền sâm mỗi vị 16g; liên kiều, đạm trúc diệp, ngưu bàng tử mỗi vị 12g; cam thảo 8g; cát cánh 6g; kinh giới, bạc hà mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: bạc hà, ngưu bàng tử mỗi vị 8g; huyền sâm, sinh địa, sơn đậu căn mỗi vị 12g; kim ngân hoa, cỏ nhọ nồi, bồ công anh mỗi vị 16g; cát cánh, xạ can mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3 - Thanh yên lợi cách thang gia giảm: ngưu bàng tử 12g; bạc hà, cát cánh mỗi vị 6g; kim ngân hoa 40g; liên kiều 16g; cam thảo, hoàng cầm, hoàng liên mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể nặng (hỏa độc hay nhiệt độc ở phế vị): Người bệnh sốt cao, miệng khô, tuyến amidan sưng to, loét hoặc hóa mủ; họng đau nhiều, ăn uống khó, nổi hạch ở dưới hàm, nước tiểu đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng đầy, mạch sác hữu lực. Phương pháp chữa: thanh nhiệt giải độc ở phế vị; hoạt huyết, trừ mủ.

Bài 1 - Phức phương lượng cách thang gia giảm: thạch cao sống 40g; kim ngân hoa, huyền sâm mỗi vị 16g; hoàng cầm, liên kiều, đạm trúc diệp, sơn chi tử mỗi vị 12g; cát cánh, cam thảo mỗi vị 8g; bạc hà 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: kim ngân hoa, thạch cao sống mỗi vị 20g; sinh địa, huyền sâm, cam thảo Nam mỗi vị 16g; hoàng liên, hoàng bá, tang bạch bì mỗi vị 12g; xạ can 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3 - Hoàng liên thanh hầu ẩm gia giảm: kim ngân hoa 40g; liên kiều, ngưu tất mỗi vị 20g; hoàng cầm, sơn đậu căn, xích thược, huyền sâm mỗi vị 12g; xạ can 8g; hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu táo bón thêm đại hoàng 8 - 12g.

Viêm amidan mạn

Y học cổ truyền gọi là hư hỏa nhũ nga. Nguyên nhân do phế vị âm hư, tân dịch không đầy đủ, hư hỏa vượng lên trên gây bệnh. Người bệnh hay bị viêm amidan tái phát, miệng khô hơi đau, miệng hôi, ho khan, sốt nhẹ, người gầy yếu, mệt mỏi. Phương pháp chữa: dưỡng âm thanh phế, hoạt huyết tiêu viêm.

Bài 1 - Lục vị địa hoàng gia giảm: sinh địa 16g; sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, thiên hoa phấn, tri mẫu, địa cốt bì mỗi vị 8g; hoài sơn, huyền sâm, ngưu tất mỗi vị 12g; xạ can 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 - Dưỡng âm thanh phế thang gia giảm: sinh địa 20g; huyền sâm, bạch thược, đan bì mỗi vị 12g; mạch môn, bối mẫu, thiên hoa phấn, địa cốt bì mỗi vị 8g; cam thảo, bạc hà mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3 - Ích khí thanh kim thang gia giảm: sa sâm, mạch môn, huyền sâm, tang bạch bì mỗi vị 12g; xạ can 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu miệng hôi thêm thạch hộc, tri mẫu mỗi vị 12g; ho khan thêm hạnh nhân 8g, bối mẫu 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: sa sâm, mạch môn, tang bạch bì, ngưu tất mỗi vị 12g; huyền sâm 16g; xạ can 8g; thăng ma 6g; cát cánh 4g. Sắc uống ngày 1 thang.


BS. Nguyễn Kỳ
Ý kiến của bạn