1. Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, sốt xuất huyết diễn ra theo 3 giai đoạn bao gồm: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Trong giai đoạn sốt, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột (nhiệt độ cơ thể từ 39-40 độ C) kèm theo đau đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn, có những nốt xuất huyết dưới da.
Trong giai đoạn nguy hiểm, nhẹ nhất là tình trạng xuất huyết dưới da (thường kèm theo ngứa), còn có thể gặp chảy máu chân răng, xuất huyết đường tiêu hóa, nặng hơn có thể là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng... với hiểu hiện mệt mỏi, li bì, đau bụng không rõ nguyên nhân, đau đầu dữ dội...
Với những triệu chứng này, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh đã hết sốt sau hai ngày, cơ thể đã khỏe hơn, ăn được nhiều hơn.
2. Sốt xuất huyết trong y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết được đề cập đến trong phạm trù các chứng xuất huyết, phát nhiệt, chẩn. Nguyên nhân do cảm nhiễm ôn nhiệt dịch độc.
Điều trị bằng thuốc y học cổ truyền có thể được áp dụng trong trường hợp sốt xuất huyết không có sốc (dùng các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết) hoặc giai đoạn phục hồi (chủ yếu nhằm mục đích bồi bổ chính khí).
2.1. Bệnh ở giai đoạn vệ phận
Biểu hiện: Người bệnh sốt, đau đầu nhiều, đau họng, ho, đổ mồ hôi nhẹ, họng sưng, đau nhức mình, nước tiểu hơi sẫm màu, khát ít, lưỡi đỏ ở rìa lưỡi, rêu trắng mỏng, mạch phù sác.
Bài thuốc Ngân kiều tán: Kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, kinh giới 8g, đạm đậu xị 8g, bạc hà 10g, ngưu bàng tử 8g, trúc diệp 12g, cát cánh 8g, lô căn 10g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Kim ngân hoa - vị thuốc trong bài Kim ngân tán trị sốt xuất huyết giai đoạn vệ phận.
2.2 Bệnh ở giai đoạn dinh huyết phận
Biểu hiện: Người bệnh có dấu hiệu chảy máu ở nhiều vị trí khác nhau bao gồm chảy máu dưới da (nốt ban chẩn), nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu.
Bài thuốc Tê giác địa hoàng thang: Sừng trâu (mài nước) 30g, sinh địa 24g, đơn bì 12g, bạch thược 9g. Sắc uống ngày một thang.
Vị thuốc sinh địa.
2.3 Bệnh ở giai đoạn hồi phục
Biểu hiện: Người bệnh hết sốt, người mệt mỏi, chán ăn, tay chân lạnh, đoản hơi, tiêu lỏng, da xanh, lưỡi nhợt, mạch trầm vô lực.
Bài thuốc 1: Bát trân thang gia vị: Nhân sâm 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo chích 6g, đương quy 12g, thục địa 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 8g, sinh khương 5 lát, đại táo 1 quả. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc 2: Bổ trung ích khí thang: Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, sài hồ 10g, thăng ma 8g, đương quy 12g, trần bì 8g, cam thảo chích 6g. Sắc uống ngày một thang.
Mời bạn xem tiếp video:
Sởi: Một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào?| SKĐS