Bài thuốc trị quai bị

SKĐS - Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut thuộc nhóm Paramyxovirus, lây trực tiếp khi nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung bát đũa, cốc chén..

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut thuộc nhóm Paramyxovirus, lây trực tiếp khi nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung bát đũa, cốc chén... Bệnh thường gặp ở trẻ 5-10 tuổi. Sau đây là một số bài thuốc uống và dùng ngoài trị bệnh.

Quai bị thường gặp ở trẻ nhỏ 5 - 10 tuổi, biểu hiện chủ yếu là sưng đau tuyến mang tai


Trẻ thường sốt 2-3 ngày, đau đầu, khát nước, mệt mỏi, không chịu chơi, trẻ khó nuốt, ăn ít hoặc bỏ ăn, nước tiểu vàng, góc hàm sưng đau, cứng, ấn đau; lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác hoặc hoạt sác. Trường hợp nặng có thể biến chứng tổn thương thần kinh, viêm teo tinh hoàn, buồng trứng, viêm tụy cấp, viêm khớp...

Thuốc uống:

Bài 1: kim ngân, hạ khô thảo, thổ phục linh, đinh lăng, bạch truật (sao hoàng thổ) mỗi vị 16g; bồ công anh, cát cánh mỗi vị 12g; hoài sơn 15g; hậu phác 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: sài hồ 4g, cát căn 12g, ngưu bàng tử 12g, thăng ma 8g, liên kiều 8g, thiên hoa phấn 8g, hoàng cầm 8g, cát cánh 8g, thạch cao (sắc trước) 16g, cam thảo 4g. Sắc uống. Bài này dùng cho cả bệnh nặng; nếu tuyến mang tai đau và rắn, thêm xạ can 8g; nếu trẻ có dấu hiệu viêm tinh hoàn, gia hạt vải 12g, khổ luyện tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc trị quai bị - Hạt vải sao vàng tán mịn trộn với giấm bôi lên chỗ sưng đau

Hạt vải sao vàng tán mịn trộn với giấm bôi lên chỗ sưng đau.


Thuốc dùng ngoài:

Bài 1: nhân hạt gấc (sao vàng tán mịn), cho thêm mật ong vào trộn đều, bôi thuốc vào miếng giấy bản rồi dán vào nơi quai hàm sưng đau, ngày 3 lần.

Bài 2: hạt vải 4 - 5 hạt, sao vàng tán mịn, trộn với giấm thanh, bôi vào chỗ quai hàm sưng đau, dùng miếng giấy mỏng, mềm dán lên trên.

Bài 3: lá gấc non, ngọn râm bụt, hai thứ giã mịn, đắp vào chỗ quai hàm sưng đau. Lấy băng dính băng lại.

Lưu ý: Quai bị là bệnh truyền nhiễm nên khi trẻ bị bệnh cần cách ly để tránh lây lan. Trẻ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nên ăn lỏng và mềm, dễ nuốt vì lúc này trẻ rất khó nhai thức ăn, ăn đủ chất, không động chạm, đè nén vào chỗ đau. Theo dõi trẻ, đề phòng phát hiện sớm những biến chứng có thể xảy ra.

Lương y Trịnh Văn Sỹ


Ý kiến của bạn