Nếu không được chữa trị kịp thời, những mụn nhọt này rất có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Mụn nhọt là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở các lỗ chân lông hay tuyến bã nhờn. Nguyên nhân theo y học cổ truyền là do hỏa độc gây ra, nếu kèm theo huyết nhiệt thì bệnh hay tái phát dai dẳng. Người bệnh có biểu hiện tại chỗ nhiễm khuẩn có sưng, nóng, đỏ, đau; kèm theo toàn thân có thể sốt, mạch nhanh, rêu lưỡi trắng dày. Mụn nhọt nếu không chữa kịp thời hoặc chữa không khỏi sẽ thành ổ mủ, dần dần vỡ mủ, rồi liền da thành sẹo. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị tùy từng giai đoạn.
Kim ngân hoa thanh nhiệt tiêu độc, là vị thuốc trị mụn nhọt giai đoạn mới phát và hóa mủ.
Giai đoạn đầu: mụn mới phát, sưng đau, nóng đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện vàng mạch sác có thể kèm theo biểu chứng như phát sốt, mạch phù sác... Phép trị: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm.
Bài thuốc uống:
Bài 1: thanh hao 8g, kim ngân 12g, liên kiều 12g, đạm trúc diệp 12g, xích thược 12g, lá sen 16g. Sắc uống. Nếu có sốt cao gia hoàng liên 8g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g; tiểu tiện sẻn đỏ gia thêm xa tiền tử 12g hoặc táo bón gia đại hoàng 4g.
Bài 2: thổ phục linh 40g, thương nhĩ tử sao vàng 20g. Sắc uống.
Bài 3: kinh giới 8g, kim ngân 20g, thương nhĩ tử 16g, thổ phục linh 12g, đỗ đen sao 40g, cam thảo nam 8g, vòi voi 8g, cỏ xước 12g. Sắc uống.
Giai đoạn hóa mủ: mụn từ màu đỏ, rắn sưng nóng đỏ đau dần dần đầu mụn mềm dần. Nếu mụn sắc nhạt, khó làm mủ thì nên dùng thuốc uống hỗ trợ rút ngắn quá trình nung mủ. Phép trị là thác độc bài nùng.
Bài thuốc uống: kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, gai bồ kết 12g, bồ công anh 16g, trần bì 6g, bối mẫu 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Thuốc dùng ngoài:
Bài 1 - Cao dán tiêu độc: Trong khi dán cao, nên cho uống ít nước có cồn loãng. Không dùng cao dán khi đang dùng kháng sinh.
Bài 2: dọc ráy, lá xoan, muối ăn, liều lượng bằng nhau. Giã nhỏ, đắp vào chỗ nhọt cho phá vỡ mủ.
Giai đoạn vỡ mủ: mụn đã rất mềm, có thể chọc nặn mủ, hoặc đã vỡ mủ còn đang chảy, vết thương chậm lành. Phép chữa là khứ hủ sinh cơ, bài trừ các tổ chức hoại tử, sinh cơ nhục.
Bài thuốc uống: Hoàng liên giải độc thang: kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, bồ công anh 16g, xích linh 12g, hoàng liên 12g, hạ khô thảo 12g, sừng trâu 10g. Sắc uống.
Thuốc dùng ngoài: Cao dán tiêu độc: cắt thủng miếng cao 1 lỗ rộng hơn chỗ mủ vỡ; sau 1 giờ, dùng tay ấn nhẹ cho cục mủ (ngòi) bên trong đẩy ra; dùng miếng bông tiệt trùng đặt lên chỗ mủ vỡ.
Bối mẫu là vị thuốc trị mụn nhọt giai đoạn hóa mủ.
Giai đoạn huyết nhiệt: Mụn nhọt thường tái phát (cơ địa dị ứng dễ nhiễm trùng). Phép trị là thanh nhiệt lương huyết giải độc, đề phòng tái phát.
Bài 1: kim ngân hoa 80g, bồ công anh 40g, sinh cam thảo 12g. Sắc uống. Nếu nhọt chưa vỡ thì uống 2 thang; nếu nhọt đã vỡ uống 3 thang.
Bài 2 - Chè lương huyết: hắc chi ma 40g, thổ phục linh 60g, kim ngân hoa 40g, hà thủ ô 60g, huyền sâm 60g, sinh địa 60g, mạch môn 50g, thương nhĩ tử 50g, khổ sâm 50g, phù bình 40g, có mực 50g, bột nếp 0,5g. Ngày dùng 15g-20g, hãm với nước sôi, chia uống 2 lần. Uống trong 15-30 ngày.
Ngoài ra, để phòng ngừa mụn nhọt, phải giữ vệ sinh thân thể như thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là về mùa hè, sau khi lao động nơi bụi bẩn; nên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Không gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu, vì nặn làm tổn thương hàng rào bảo vệ, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.
Về mùa hè không nên ăn uống đồ cay nóng, kích thích như uống rượu, hút thuốc, ăn ớt, hạt tiêu, hành tỏi sống, cà phê. Không uống nhiều nước đá. Tăng cường ăn nhiều rau quả có tính mát như dưa hấu, dưa chuột, bí đao, rau đay, mồng tơi, cua đồng, mướp đắng, chanh, cam, thanh long...