Bài thuốc trị giun

SKĐS - Nhiễm giun, đặc biệt là giun đũa rất hay gặp ở trẻ nhỏ vùng nông thôn nước ta do nguồn nước, đất bị ô nhiễm, thói quen ăn uống không vệ sinh...

Trường hợp nặng có thể gây biến chứng tắc ruột, thủng ruột, viêm ruột thừa cấp; giun chui vào đường dẫn mật gây tắc ống dẫn mật, áp-xe gan, viêm túi mật cấp.

Bệnh nhân bị giun chui ống mật có triệu chứng đột nhiên đau dữ dội vùng bụng trên, đau quặn nhói từng cơn vùng mũi ức, sau đó đau lan sang vùng vai và thắt lưng, không nằm yên, có động tác chổng mông lên trời. Toàn thân lạnh, toát mồ hôi, chân tay lạnh, lợm giọng, buồn nôn, có khi nôn ra giun. Nếu bị bội nhiễm có thể sốt cao, miệng đắng, vàng da, rêu lưỡi mỏng hơi vàng, mạch huyền sác.

Ấn day huyệt nội quan và huyệt hợp cốc hỗ trợ trị giun đũa.

Ấn day huyệt nội quan và huyệt hợp cốc hỗ trợ trị giun đũa.

Theo Y học cổ truyền, phép chữa là an hồi chỉ thống. Giun đũa gặp chua thì yên, gặp cay thì phục, gặp đắng thì xuống. Các bài thuốc trị thường có vị chua, cay, đắng và hay dùng ô mai bởi 3 tác dụng: làm giun bị say nên hạn chế vận động; tác dụng vào can, xúc tiến gan tiết ra mật; tác dụng chống co thắt làm cơ thắt đường mật mở rộng ra. Dùng một trong các bài thuốc.

Bài 1: Vôi tôi 500g, nước sôi để nguội 2 lít, đường kính 50g. Vôi và nước trộn đều, để lắng lấy 1 lít nước trong, hòa đường, uống. Mỗi lần 50ml lúc lên cơn đau. Ngày dùng không quá 400ml. Uống  5 ngày.

Bài 2: Xuyên tiêu phơi khô, tán bột. Dùng cho trẻ từ 10 tuổi trở lên. Mỗi lần uống 5g, ngày uống không quá 20g.

Bài 3: Ô mai 5 quả, hoàng liên 8g, hoàng bá 12g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, phụ tử chế 6 - 8g, quế chi 8g, xuyên tiêu 8g, can khương 8g, tế tân 1g. Sắc uống hoặc tán bột làm viên. Nếu có nôn, thêm trần bì 8g, bán hạ 8g; đau nhiều, thêm mộc hương 8g; táo bón thêm mang tiêu; vàng da thêm nhân trần 30g.

Bài 4: Ô mai 16g, sử quân tử 12g, binh lang 8g, mộc hương 8g, chỉ thực 8g. Sắc uống.

Bài 5: Sử quân tử 15g, binh lang 15g, khổ luyện bì 10g, ô mai 20g, xuyên tiêu 10g, đại hoàng 15g, hạc sắt 10g, bạch thược 30g, nhân trần 10g, bồ công anh 10g, long đởm thảo 10g, giấm ăn vừa đủ. Sắc thuốc xong, cho giấm vào khuấy đều, uống nóng.

Bài 6: Khổ luyện bì 20g, sử quân tử 20g, xuyên luyện tử 8g, mộc hương 8g, hoàng liên 8g, tân lang 40g, hương phụ 40g, ô mai 12g, chỉ xác 8g. Sắc lấy 300ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 7: quả xoan chín 8g, hạt cải đắng 6g, mộc hương 4g, chỉ xác 6g, vỏ rễ xoan 2g, ô mai 20g, vỏ núc nác 6g, thanh bì 6g, sử quân tử 10g, binh lang 8g. Sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống 2 lần (sáng sớm và trước khi đi ngủ lúc đói). Không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi; trẻ trên 5 tuổi uống bằng 1/4 liều của người lớn.

Sau khi các chứng bệnh đã khỏi, uống 1 liều thuốc tẩy giun sán tây y (albendazol, mebendazol...).

Lưu ý: Giun chui ống mật rất dễ tái phát nên cứ 6 tháng đến 1 năm phải uống thuốc tẩy giun 1 lần.

Kết hợp châm tả hoặc day các huyệt: túc tam lý, chi câu, dương lăng tuyền, nghinh hương, tứ bạch. Gia giảm: đau nhiều thêm lao cung; nôn mửa thêm nội quan; sốt cao thêm hợp cốc; táo bón thêm phúc kết.

Vị trí huyệt:

Túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó đo ra 1 tấc là huyệt.

Chi câu: Trên lằn cổ tay 3 tấc, giữa khe xương trụ và xương quay, trên huyệt ngoại quan 1 tấc.

Dương lăng tuyền: Chỗ lõm phía trước và dưới đầu nhỏ của xương mác, nơi thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân.

Nghinh hương: Điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi - miệng.

Tứ bạch: Ngay giữa mi dưới thẳng xuống 1 tấc, chỗ lõm dưới hố mắt, bờ dưới cơ vòng mi.

Lao cung: Gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào đường nếp gấp giữa lòng bàn tay (đường tâm đạo) ở đâu thì đó là huyệt.

Nội quan: Trên cổ tay 2 tấc, dưới huyệt gian sử 1 tấc, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.

Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Phúc kết: Nơi gặp nhau của đường dọc qua núm vú và đường ngang qua rốn, dưới rốn 1 tấc.

Thần môn: Ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn