Bài thuốc trị đau thắt lưng

27-11-2012 10:07 | Y học cổ truyền
google news

Đau thắt lưng là đau một bên hay hai bên cột sống, là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra có thể chia làm hai loại: đau lưng cấp và đau lưng mạn.

(SKDS) - Đau thắt lưng là đau một bên hay hai bên cột sống, là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra có thể chia làm hai loại: đau lưng cấp và đau lưng mạn. Theo y học cổ truyền, thắt lưng là phủ của thận, nên đau thắt lưng có quan hệ mật thiết với thận.

Đau lưng cấp thường do bị lạnh gây co cứng các cơ ở sống lưng, dây chằng, cột sống bị viêm, bị phù nề chèn ép vào dây thần kinh khi vác nặng, sai tư thế, sang chấn vùng sống lưng. Đau lưng mạn thường do viêm cột sống, thoái hóa cột sống, lao ung thư, đau các nội tạng ở ngực, đau lan tỏa ra sau lưng, đau lưng cơ năng do động kinh, suy nhược thần kinh.

Đau thắt lưng cấp do phong hàn thấp

Đau thắt lưng xảy ra đột ngột, sau khi bị lạnh, mưa, ẩm thấp không cúi được, ho và trở mình cũng đau thường đau một bên. Thắt lưng đau tăng khi gặp lạnh, vặn lưng, cúi ngửa khó khăn và gây đau, nằm yên vẫn đau, gặp thời tiết âm u ẩm thấp, mưa thì đau tăng.

Bài thuốc trị đau thắt lưng 1
 Cơ thể học vùng thắt lưng.

Phương pháp chữa: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc (hành khí, hoạt huyết).

Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang: Độc hoạt 12g, tang ký sinh 12g, tân giao 8g, phòng phong 8g, tế tân 8g, đương quy 12g, thược dược 10g, xuyên khung 12g, địa hoàng 8g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 8g, nhân sâm 8g, phục linh 8g, cam thảo 6g, quế tâm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trong bài độc hoạt, tế tân, phòng phong, quế tâm, tần giao, phục linh để khu tán hàn trừ thấp; đương quy, thược dược, xuyên khung, địa hoàng để hoạt huyết thông lạc chỉ đau; cam thảo, nhân sâm để bổ khí; tang ký sinh, đỗ trọng, ngưu tất để ích thận dưỡng cân khỏe lưng gối.

Đau lưng cấp khi thay đổi tư thế hay vác nặng lệch tư thế do khí trệ, huyết ứ

Triệu chứng: Sau khi vác nặng lệch người hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột nhiên bị đau một bên sống lưng, đau dữ dội ở một chỗ, vận động hạn chế nhiều khi không cúi, đi lại được, cơ co cứng, sợ ấn vào chỗ đau (cự án).

Phương pháp chữa: Hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ đau.

Bài thuốc: Thân thống trục ứ thang: Đào nhân 12g, hồng hoa 12g, đương quy 12g, cam thảo 8g, xuyên khung 12g, ngưu tất 12g, ngũ linh chỉ 8g, hương phụ 4g, địa long 8g, tần giao 4g, khương hoạt 4g, một dược 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đau thắt lưng do thận hư

Triệu chứng: Thắt lưng đau ê ẩm, chân yếu, lúc mệt bệnh tăng, nằm thì giảm. Nếu thận dương hư là chính, có thêm chân tay lạnh, mặt sắc trắng, bụng dưới câu cấp, lưỡi nhạt, mạch trầm tế. Nếu thận âm hư là chính, có thêm tâm phiền mất ngủ, miệng họng khô, má hồng, lòng bàn chân tay nóng, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Phương pháp chữa:

Với thận dương hư là chính: Bổ thận trợ dương.

Bài thuốc: Hữu quy hoàn: Thục địa 32g, sơn dược 16g, sơn thù 16g, kỷ tử 16g, đỗ trọng 16g, thỏ ty tử 16g, phụ tử 12g, nhục quế 12g, đương quy 12g, lộc giác giao 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Với thận âm hư là chính: Bổ thận tư âm.

Bài thuốc: Tả quy hoàn: Thục địa 32g, sơn dược 16g, sơn thù 16g, kỷ tử 16g, thỏ ty tử 16g, ngưu tất 12g, lộc giác giao 16g, quy bản 16g, tục đoạn 12g, đỗ trọng12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chú ý: Các bài thuốc trên cho 750ml nước sắc 2 lần, mỗi lần chắt lấy 250ml, trộn 2 lần sắc chia uống 3 lần lúc thuốc còn nóng. Uống liền  10 thang.

Lương y Vũ Quốc Trung


Ý kiến của bạn