1. Nguyên nhân đau khớp theo y học hiện đại
Đau khớp ở người cao tuổi có thể do các yếu tố sau gây nên:
1.1 Viêm khớp dạng thấp
Biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ, đau do viêm màng hoạt dịch của khớp, bắt đầu từ các khớp nhỏ ở ngoại biên như: Các khớp ở bàn tay, cổ tay, ngón tay, ngón chân, khớp gối, đối xứng hai bên. Cứng khớp, khó cử động khớp vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy, triệu chứng này kéo dài hàng giờ.
1.2 Khớp bị thoái hóa
Người bệnh đau ở vị trí khớp bị thoái hoá, đau âm ỉ, ít khi đau lan (trừ trường hợp thoái hóa cột sống gây chèn ép rễ và dây thần kinh); đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Một số ít trường hợp có sưng, nóng, đỏ tại vị trí khớp bị thoái hóa.
Người bệnh bị hạn chế vận động chủ động và thụ động tại các khớp bị thoái hóa, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế ở một số động tác.
Ngoài ra người bệnh có thể bị teo cơ, có tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp (thường là khớp gối).
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân gây bệnh khớp.
1.3 Bệnh gout cấp tính và mạn tính
Khi bị gout cấp tính, người bệnh đau khớp dữ dội, rát bỏng là hai triệu chứng đặc trưng. Các triệu chứng này thường xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng, nhất là sau các bữa ăn có nhiều đạm, uống bia, rượu. Tại các khớp đau có hiện tượng viêm rõ rệt (sưng, nóng, đỏ, đau). Đặc điểm trong viêm khớp của bệnh gout là các khớp đau không đối xứng. Các khớp đau thường hay gặp là khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp gối và đặc biệt là khớp ngón chân cái (ở nữ thường đau các khớp ngón tay).
Đối với gout mạn tính, thường đau một số khớp xương nhưng không phải đau thường xuyên mà đau tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi lần lên cơn đau có khi không điều trị gì cũng tự khỏi. Chính vì lẽ đó mà người cao tuổi mắc bệnh gout rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp vì triệu chứng na ná như bị đau khớp nhưng lúc này acid uric trong máu tăng. Một số người cao tuổi có thể cùng một lúc mắc cả 3 loại bệnh.
1.4 Loãng xương
Biểu hiện đau âm ỉ, đau mỏi nhiều vùng thắt lưng (đau thắt lưng cấp tính và đau thắt lưng mạn tính). Đau xuất hiện tự nhiên; sau chấn thương nhỏ, thường khỏi sau vài tuần. Đau thắt lưng mạn tính kèm theo biến dạng cột sống, biểu hiện bằng đau thắt lưng kéo dài, có những đợt đau cấp tính rồi lại khỏi, kèm theo các thay đổi tư thế cột sống như gù, vẹo cột sống.
Biểu hiện nặng nhất của loãng xương là gãy xương: lún xẹp thân đốt sống, gãy chỏm xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu.
Cây và vị thuốc độc hoạt trị đau xương khớp.
2. Nguyên nhân đau khớp theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, đau khớp thường do các nguyên nhân sau:
2.1 Do can thận hư:
Can chủ cân, thận chủ cốt; Người cao tuổi can thận hư tổn nên gân cốt cũng suy yếu làm đau lưng mỏi gối. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất để phân biệt đau khớp ở người trẻ với người cao tuổi.
2.2 Do khí huyết hư:
Người cao tuổi tỳ suy yếu, ăn uống kém nên khí huyết suy hư. Khí huyết hư nên người hay mệt mỏi, chậm chạp.
2.3 Do phong hàn thấp:
Cơ thể suy nhược nên các khí phong hàn thấp dễ xâm nhập vào kinh mạch gây bệnh.
Hiện nay, điều trị bệnh khớp ở người cao tuổi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do ở người cao tuổi khả năng chuyển hóa thuốc kém, dễ sinh các tai biến như: Loét dạ dày, chảy máu tiêu hóa, suy thận, suy gan, dị ứng thuốc. Do vậy, với người cao tuổi, xu hướng điều trị đau khớp hiện nay là nên dùng các thuốc thảo mộc và các biện pháp điều trị không dùng thuốc bằng tập luyện.
3. Bài thuốc trị đau khớp cho người cao tuổi
Các vị thuốc: Độc hoạt 12g, tang ký sinh 12g, tần giao 12g, tế tân 12g, phòng phong 12g, đương quy 12g, thược dược 12g, xuyên khung 12g, thục địa 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 12g, nhân sâm 10 g, phục linh 12g, cam thảo 4g, quế tâm 8g.
Cách dùng: Đương quy, xuyên khung tẩy rượu, thược dược sao rượu, đỗ trọng khương trấp (nước gừng) sao. Các vị trên + 1800ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia đều 4 phần, uống trong ngày.
Công dụng: Khu phong, trừ thấp, bổ can thận. Chữa các chứng can thận hư, phong thấp nội công, chân tay vô lực, các chức năng can chủ cân, thận chủ cốt bị ảnh hưởng nên hạn chế vận động.
Phương giải bài thuốc:
Độc hoạt, tế tân thông huyết mạch cùng tần giao, phòng phong sơ kinh, thăng dương để khu phong.
Tang ký sinh ích khí huyết cùng đỗ trọng, ngưu tất kiện cốt cường cân.
Xuyên khung, đương quy, thược dược, thục địa: Hoạt huyết, bố âm;
Nhân sâm, quế tâm, phục linh, cam thảo: Ích khí, bổ dương.
Phối hợp các vị thuốc với nhau để bổ dưỡng huyết mạch khiến cho khí huyết đầy đủ, phong thấp tiêu trừ, can thận được cường tráng mà bệnh tự lui.
4. Biện pháp không dùng thuốc
- Ăn uống điều độ, duy trì cân nặng ở mức hợp lý để giữ cho các khớp không phải chịu một sức nặng quá mức, có tác dụng giảm đau.
- Ăn nhiều các sản phẩm từ đậu nành giúp phòng chống loãng xương và tốt cho hệ tim mạch.
- Ăn ít chất đạm, nhiều chất xơ và rau tươi sẽ làm thuyên giảm bệnh gout.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức giúp cho khí huyết lưu thông giảm các chứng đau khớp.
- Chú ý tránh tập quá sức vì có thể gây tổn thương gân cốt.
- Nếu đau khớp nhiều, nên kết hợp châm cứu, xoa bóp... tại các cơ sở y học cổ truyền.
Mời bạn xem thêm video
Trụ cột U23 Việt Nam chấn thương cực nặng kèm nguy cơ phải nghỉ hết năm: Chuyên gia khuyên gì?