Bài thuốc trị chứng phong ôn

SKĐS - Phong ôn là loại bệnh ôn nhiệt do cảm nhiễm bệnh độc phong nhiệt gây ra, phát sinh vào hai mùa đông, xuân.

Phong ôn là loại bệnh ôn nhiệt do cảm nhiễm bệnh độc phong nhiệt gây ra, phát sinh vào hai mùa đông, xuân. Nguyên nhân trong mùa xuân khí phong mộc làm chủ, dương khí bốc lên, khí hậu ấm áp dần phong bắt đầu thịnh hành; Nhân cơ thể suy yếu, tấu lý sơ hở hoặc vì sinh hoạt không giữ gìn cảm nhiễm phong nhiệt mà phát sinh bệnh hoặc do khí hậu mùa đông khác thường, đáng lẽ lạnh mà lại ấm, chính khí trong cơ thể suy yếu cũng có thể cảm nhiễm phong nhiệt gây thành bệnh.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị để bạn đọc tham khảo.

Nếu nhiệt tà ở phần vệ

Biểu hiện: Sốt, hơi sợ gió lạnh, không có mồ hôi hoặc ít mồ hôi, nhức đầu, ho, hơi khát nước, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác.

Phương pháp điều trị: Tân lương giải biểu.

Bài thuốc: Ngân kiều tán: Kim ngân hoa 12g, liên kiều 8g, khổ cát cánh 10g, bạc hà (tươi) 16g, trúc diệp (tươi) 16g, sinh cam thảo 8g, kinh giới tuệ 12g, đạm đậu sị 36g, ngưu bàng tử 12g. Đạm đậu sị cho vào túi vải túm lại. Các vị: kim ngân hoa, liên kiều, cát cánh, cam thảo, kinh giới, ngưu bàng tử, đạm đậu sị với 1.500ml nước sắc còn 800ml cho bạc hà và trúc diệp vào sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Chia đều 4 phần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.

Bài thuốc trị chứng phong ônCây và vị thuốc chi tử trong bài thuốc Chi tử sị thang (nhiệt tà ở phần khí)

Nếu nhiệt tà ở phần khí

Trường hợp sốt, bực dọc, bứt rứt, nằm ngồi không yên, rêu lưỡi vàng.

Phương pháp điều trị: Thanh tuyên thấu nhiệt, đạt tà ngoại xuất.

Bài thuốc: Chi tử sị thang: chi tử 32g, hương sị 48g. Chi tử cho vào cùng 700ml nước, sắc còn 500ml cho đậu sị vào sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Uống ấm, chia đều 2 lần, nếu nôn được thì thôi. Nếu chưa nôn được sau 3 giờ uống phần còn lại.Trường hợp sốt, mắt đỏ, sợ nóng, bực dọc, ra nhiều mồ hôi, rêu lưỡi vàng khô, khát muốn uống nước mát.Mạch hồng đại.

Phương pháp điều trị: Thanh dương minh khí phận trừ nhiệt tà.

Bài thuốc: Bạch hổ thang: thạch cao 36g, tri mẫu 24g, cam thảo 12g, ngạnh mễ 32g. Thạch cao đập nát, 3 vị trên (trừ ngạnh mễ) cho cùng 1.400ml sắc còn 450ml cho ngạnh mễ vào đun vừa chín, lọc bỏ bã canh lại lấy 200ml. Uống ấm, chia đều ngày uống 3 lần.

Trường hợp sốt cơn vào buổi chiều, có lúc nói lảm nhảm, táo bón hoặc đi ngoài toàn nước, ấn vào bụng đau, rêu lưỡi vàng khô, mạch trầm.

Phương pháp điều trị: Thanh lý tiết nhiệt.

Bài thuốc: Điều vị thừa khí thang: đại hoàng 16g, mang tiêu 10g, cam thảo 4g. Đại hoàng tẩy rượu, cam thảo chích cho vào cùng 900ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 80ml cho mang tiêu vào đun sôi quấy vừa tan đem dùng. Uống ấm chia đều 2 lần. Bệnh nhân bị táo bón uống 1 lần mà đại tiện được thì thôi không dùng nữa; nếu sau 2 giờ chưa đại tiện  được thì dùng tiếp lần 2. Đối với bệnh nhân bị tiêu chảy uống lần đầu mà bệnh nhân đại tiện 1 lần sau 3 giờ không đại tiện, không dùng nữa.Nếu vẫn tiêu chảy cho uống tiếp lần 2.

Nếu nhiệt vào phần dinh

Biểu hiện: Sốt, ho, tức ngực, mọc chẩn đỏ.

Phương pháp điều trị: Tuyên phế nhiệt lương dinh thấu tiết.

Bài thuốc: Gia giảm ngân kiều tán: Kim ngân hoa 12g, liên kiều 8g, cát cánh 12g, bạc hà (tươi) 12g, trúc diệp (tươi) 12g, cam thảo 6g, ngưu bàng 12g, sinh địa 16g, đan bì 12g, đại thanh diệp 6g, huyền sâm 16g, khổ thanh diệp 6g. Các vị trên (trừ bạc hà và trúc diệp) sắc với 1.700ml nước còn 600ml cho bạc hà và trúc diệp sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.

Nếu nhiệt đốt chân âm

Biểu hiện: Sốt, bực dọc nằm không yên, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt tư âm.

Bài thuốc: Hoàng liên a giao thang: hoàng liên 12g, bạch thược 24g, a giao 24g, hoàng cầm 12g, kê tử hoàng 2 quả. Ba vị hoàng liên, hoàng cầm, thược dược cho vào cùng 1.600ml nước sắc lọc bỏ bã lấy150ml, đun sôi cho a giao quấy đều vừa tan hết, tắt lửa cho lòng đỏ trứng gà quấy đều (nhiệt độ 60 - 70oC). Uống ấm, chia đều ngày uống 3 lần.


TS. Trần Xuân Nguyên
Ý kiến của bạn