Hà Nội

Bài thuốc trị chứng mệt mỏi

SKĐS - Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp, làm giảm chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc.

1. Biểu hiện của mệt mỏi

Mệt mỏi thường bao gồm cảm giác buồn ngủ hoặc thiếu năng lượng, nhưng mọi người có thể trải nghiệm nó theo nhiều cách khác nhau.

Ngoài ra, các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, đau nhức cơ bắp, ra quyết định kém, khó chịu, các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn, mờ mắt và kém tập trung…

Một số người không biết nguyên nhân gây nên tình trạng này từ đâu, mệt mỏi vô cớ. Triệu chứng tuy không nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất làm việc.

Mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm. Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài bạn nên đến khám và tư vấn bởi bác sĩ để tìm ra nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi, từ đó tím cách khắc phục kịp thời.

Bài thuốc trị chứng mệt mỏi - Ảnh 1.

Thục địa - vị thuốc có tác dụng chữa trị chứng mệt mỏi trong bài Bổ thận âm hoàn.

2. Bài thuốc điều trị chứng mệt mỏi

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý, tránh để tình trạng mệt mỏi kéo dài lâu.

Theo sách Nam y nghiệm phương của Lương y DSCKII Nguyễn Đức Đoàn có thể dùng bài thuốc giúp bổ thận âm hoàn để giảm mệt mỏi.

- Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Thục địa 150g, toan táo nhục 95g, trạch tả 70g, khiếm thực 70g, hoài sơn 95g, thạch hộc 60g, tỳ giải 50g.

- Chủ trị: Âm hư, tinh huyết suy kém hay mỏi mệt, đau lưng mỏi gối, nhức đầu, ù tai, hoa mắt, khát nước, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, da hâm hấp nóng, di mộng tinh, tinh thần mệt mỏi.

- Cách dùng, liều lượng: Thục địa thái mỏng chưng cách thủy cho mềm, quết nhuyễn. Các vị khác sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với thục địa, cho vào mật ong đã luyện thành châu (mật luyện ở 117°C), luyện kỹ làm viên hoàn (tễ) 10 – 12g.

Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 hoàn, uống với nước chè hoặc nước muối nhạt.

- Kiêng kỵ: Người hỏa hư (cơ thể lạnh), ăn ít, khó tiêu, đi ngoài lỏng không nên dùng.

Bài thuốc trị chứng mệt mỏi - Ảnh 3.

Táo nhân- vị thuốc chữa mệt mỏi trong bài Bổ thận âm hoàn.

- Phương giải bài thuốc:

-Thục địa vị ngọt, tính hơi ôn; vào tâm, can, thận. Trong Đông y, thục địa có tác dụng bổ huyết tư âm., dùng cho các trường hợp âm hư huyết hư với các chứng trạng đau lưng mỏi gối, suy nhược cơ thể, di tinh di niệu, ù tai điếc tai, đau đầu hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm.

- Toan táo nhục: Táo nhân vị ngọt, tính bình; vào các kinh tâm, can và đởm; có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ âm, liễm hãn. Chữa các trường hợp bồn chồn kích ứng, hồi hộp, mất ngủ, đau tức vùng ngực, tim đập mạnh (kinh quý chính xung) cơ thể hư nhược, nhiều mồ hôi (tự hãn và đạo hãn).

- Trạch tả vị ngọt đắng, tính hàn, lợi về kinh thận, bàng quang. Có công hiệu lợi thủy thẩm thấp, tả nhiệt, chữa tiểu tiện bất lợi, tiểu rắt, tiểu ra máu, tiểu buốt, phù thũng, tiêu chảy, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mỡ máu cao...

- Khiếm thực vị ngọt, sáp, tính bình; vào tỳ, thận. Tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trừ thấp tiêu trệ, chỉ tiết tả. Trị tỳ hư tiết tả, di tinh di niệu, khí hư huyết trắng.

Bài thuốc trị chứng mệt mỏi - Ảnh 4.

Vị thuốc trạch tả.

Hoài sơn vị ngọt, tính mát mà nhuận (dược tính loại minh). Loại sống thì tính mát, loại chín thì mát mà ấm; vị ngọt, tính bình. Hoài sơn bổ tỳ, ích khí, uống lâu ngày tai mắt đều rõ; sung ngũ tạng, trừ phiền nhiệt, cường âm; bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, sáp tinh (Trung Quốc dược điển); kiện tỳ, bổ phế, cố thận, ích tinh (Trung dược Đại từ điển).

Thạch hộc tính hơi hàn, vị ngọt, lợi về kinh vị và thận. Chủ trị suy nhược cơ thể, người gầy yếu, da khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, cảm giác nóng trong người, miệng khô luôn khó chịu vì những cơn khát, ăn ít mà hay nôn khan, sau khi ốm dậy bị hư nhiệt, mắt mờ nhìn không rõ.

Tỳ giải có vị đắng, tính bình; vào kinh can và vị; có tác dụng khứ phong thấp (tiêu trừ phong hàn thấp tà). Dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa bạch trọc (nước tiểu ra đục như sữa); chữa lưng gối tê đau, mụn nhọt và nước tiểu có phản ứng acid.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều cần biết về việc khi nào tiêm vaccine COVID-19 khi trẻ vừa tiêm vaccine khác.

Mai Phương
Ý kiến của bạn