Hà Nội

Bài thuốc trị chán ăn ở trẻ

SKĐS - Chán ăn ở trẻ nhỏ là do những rối loạn từ bên trong cơ thể, ngoài ra yếu tố tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán ăn, do cha mẹ ép ăn, quan tâm quá mức.

Để cải thiện tình hình chán ăn ở trẻ, chăm sóc con tốt hơn, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y điển hình để bạn đọc tham khảo và áp dụng. Tùy từng nguyên nhân, biểu hiện chán ăn ở trẻ mà dùng bài thuốc phù hợp.

Do thực tích ở trường vị

Biểu hiện: Trẻ ăn uống ngày càng sút kém, thường đau bụng, sờ vào khó chịu, đại tiện phân có mùi khắm, rêu lưỡi dày nhớt, mạch huyền hoạt.

Điều trị: Tiêu thực đạo trệ.

Bài thuốc Tiêu tích tán: thần khúc 6g, mạch nha (sao vàng) 6g, chỉ xác 3g, sơn tra (sao cháy sém) 6g, kê nội kim 3g.

Cách dùng: Ngày uống một thang đổ 500ml nước, sắc lấy 100ml chia 3 lần uống trong ngày. Cho trẻ uống 7 ngày liên tục.

Do tỳ thấp làm khốn đốn trung tiêu, tỳ mất sự kiện vận

Biểu hiện: Sau một thời gian chán ăn, bụng trướng đầy, đại tiện phân lỏng, hoặc đi ra thức ăn chưa tiêu hóa, thể trạng gầy, sắc mặt trắng nhợt, có trường hợp nôn ra thức ăn, thích nóng, sợ lạnh, tay chân lạnh, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng nhớt.

Bài thuốc trị chán ăn ở trẻVị thuốc sơn tra có công dụng tiêu thực trong bài thuốc “tiêu tích tán”.

Điều trị: Ôn trung kiện bổ vận hóa tỳ vị.

Bài thuốc Ôn trung vận tỳ thang: hắc phụ tử (chế) 3g, can khương 2g, nhục quế 2g, bạch truật (sao) 6g, thương truật (sao) 5g, kê nội kim 5g, thần khúc 10g, thanh bì 5g, cam thảo 3g, phục linh 6g, sơn tra (sao cháy sém) 10g, chỉ thực (sao) 6g, trần bì 5g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Gia giảm: Nếu tỳ vị không vận hóa sinh ra chứng tiết tả, nôn mửa, tích trệ gia: sa nhân 6g, ý dĩ 10g. Nếu có kiêm chứng nôn mửa gia bán hạ (chế) 6g, tô diệp ngạnh 6g, nhục đậu khấu 6g. Nếu tích trệ nặng gia: tân lang 5g, la bặc tử 6g, cốc nha 10g, mạch nha 10g.

Do thấp trọc ngăn trở làm tỳ hư không vận hóa được

Biểu hiện: Trẻ ăn uống kém trong một thời gian khá dài, người gầy còm, mặt vàng, bụng trướng, rêu lưỡi nhớt.

Điều trị: Mạnh tỳ hòa trung hóa thấp.

Bài thuốc Chiêm thị nghiệm phương: xuyên phác hoa 10g, hoàng cầm (sao) 6g, chỉ xác (sao) 6g, hoắc hương 6g, phục linh 8g, uất kim 6g, bạch truật (sao) 8g, đại phúc bì 6g, bán hạ (sao nước gừng) 6g, thần khúc 8g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Uống sau khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Do khí âm đều hư

Biểu hiện: Trẻ chán ăn lâu ngày, cơ thể gầy còm, khát nước, tay chân nóng, da khô, đại tiện táo bón.

Điều trị: Bồi bổ khí âm, điều hòa tỳ vị.

Bài thuốc Bình bổ phương: đảng sâm 9g, trần bì 5g, hoài sơn 9g, ô mai 3 quả, bạch truật (sao) 9g, phục linh 6g, cam thảo 3g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn. Nếu bệnh thiên về vị (dạ dày) âm hao tổn gia: thạch hộc 6g, mạch môn 6g, sinh cốc nha, sinh mạch nha đều 6g. Để dưỡng vị kích thích tiêu hóa. Nếu bệnh thiên về tỳ khí hư yếu gia: hoàng kỳ 9g, thương truật 6g là các vị thuốc cam ôn để làm mạnh tỳ.

Do tỳ âm hư

Biểu hiện: Trẻ có kiêm chứng lòng bàn tay, bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ bệu, ít rêu.

Điều trị: Dưỡng tỳ, bổ âm ích khí sinh tân dịch.

Bài thuốc Tư tỳ ẩm: sâm Cao ly 5g, liên nhục 10g, bạch thược 6g, kê nội kim 6g, cát căn 3g, đại táo 2 quả, hoài sơn 10g, biển đậu (sao) 10g, mạch nha (sao) 10g, sơn tra (sao) 10g, ý dĩ 10g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Ghi chú: Bài thuốc này dùng cho trẻ 3-5 tuổi.


TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng
Ý kiến của bạn