Bài thuốc trị cảm nắng

23-06-2013 08:00 | Y học cổ truyền
google news

Cảm nắng là bệnh thường gặp vào mùa hè, đối tượng dễ mắc bệnh là những người làm việc ngoài trời nhưng thiếu trang phục bảo hộ, người đi tàu xe trên chặng đường dài,... Nắng nóng, khát nước, mồ hôi ra nhiều làm thiếu hụt tân dịch, rối loạn điện giải gây ra.

Cảm nắng là bệnh thường gặp vào mùa hè, đối tượng dễ mắc bệnh là những người làm việc ngoài trời nhưng thiếu trang phục bảo hộ, người đi tàu xe trên chặng đường dài,... Nắng nóng, khát nước, mồ hôi ra nhiều làm thiếu hụt tân dịch, rối loạn điện giải gây ra.

Biểu hiện ở người cảm nắng là: hoa mắt, chóng mặt, chao đảo, buồn nôn hoặc nôn, người mệt lả, thở nông, tim đập nhanh, huyết áp thấp hơn bình thường. Nếu nặng, người bệnh có thể bị ngất lịm. Nguyên tắc chữa trị là hồi dương, cố biểu, giải cảm thử, bổ sung một số vitamin và những vi chất thiết yếu cho cơ thể.
Bài thuốc trị cảm nắng 1
 Hương nhu.

Sau đây là một số bài thuốc chữa trị:

Bài 1: hoàng kỳ 16g, bạch truật 14g, biển đậu 16g, hương nhu 14g, cẩu tích 16g, ngũ gia bì 16g, sâm bố chính 16g, sâm đại hành 16g, vỏ quế 8g, sinh khương 6g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 - 4 lần. Nếu bệnh nặng, cần thuốc ngay thì sắc thuốc sôi một lát là được, rót ra ít một cho người bệnh uống dần (vừa sắc thuốc vừa uống).

Bài 2: nhân sâm 10g, củ đinh lăng 16g, cát căn 16g, bạch truật 16g, mẫu lệ 16g, sơn thù 16g, hoài sơn 16g, ngũ vị 12g, hoàng kỳ 16g, vỏ quế 8g, sinh khương 6g, tang diệp 16g, cam thảo 12g, cẩu tích 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 - 4 lần. Công dụng: hồi dương cố biểu, giải cảm nắng. Bệnh nhân đang trong tình trạng có biểu hư, tấu lý sơ hở, các lỗ chân lông đang mở ra. Trong bài nhân sâm hoàng kỳ bổ khí; quế - gừng bổ dương; cát căn, biển đậu, tang diệp cầm mồ hôi, ngăn lại không cho thoát dương.

Bài thuốc trị cảm nắng 2
 Sơ cứu người bị cảm nắng.

Bài 3: bạch truật 16g, bạch phục linh 12g, phòng sâm 16g, hoàng kỳ 16g, mẫu lệ 16g, sơn thù 16g, cẩu tích 12g, ngũ vị 12g, vỏ quế 6g, phụ tử 6g, biển đậu 16g, cam thảo 12g, sinh khương 6g, đại táo 10g, cát căn 10g, tang diệp 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Buồn nôn, vùng thượng vị đầy tức, bức bách gia: bán hạ 8g, hậu phác 10g, ngưu tất 14g.

Hồi hộp, nhịp tim nhanh gia: đan sâm 16g, tam thất 10g, củ đinh lăng 12g.

Đau, mỏi các khớp gia: kê huyết đằng 16g, đỗ trọng 10g.

Ngoài ra, nên kết hợp một số món ăn để tăng cường dinh dưỡng và hỗ trợ trị bệnh:

Cháo gà, tiêu bắc, gừng: gà giò 1 con, tạo tẻ 100g, tiêu bắc, sinh khương, hành hoa, mắm muối, chanh ớt vừa đủ. Gà làm sạch lông, bỏ nội tạng, gạo vo sạch. Cho gạo và gà vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm thành cháo. Tiêu bắc rang chín tán bột. Khi cháo chín cho gia vị, gừng tươi, tiêu bắc, hành hoa, chanh ớt là được. Công dụng: cháo gà đại bổ, sinh khương, tiêu bắc là những dương dược tác dụng hồi dương, mạnh tỳ vị, cung cấp năng lượng cho cơ thể, liễm mồ hôi, cố biểu, điều hòa biểu lý.

Cháo biển đậu, hạt sen, mề gà: biển đậu 20g, hạt sen 20g, mề gà 2 cái, gạo tẻ 80g, gia vị vừa đủ. Biển đậu, hạt sen ngâm vào nước nóng khoảng 2 giờ đồng hồ. Mề gà làm sạch, gạo tẻ đãi sạch. Cho tất cả vào nồi đổ nước vừa đủ nấu cho chín nhừ, gia vị là được. Trong bài biển đậu, hạt sen cố biểu, giải thử, tác dụng liễm, trợ dương. Mề gà bổ tỳ, bổ trung, bồi đắp nguyên khí. Trường hợp cảm nắng, nôn ói, thở nông, mệt lả, tim đập nhanh, chóng mặt... dùng món ngày rất tốt.           

Lương y Trịnh Văn Sỹ


Ý kiến của bạn