Bong gân là sự cố rất hay gặp trong lao động, thể thao, luyện tập... Khi bị bong gân, người bệnh có biểu hiện đau, khi chạm vào hoặc cử động thì càng đau, tại chỗ sưng nề, sung huyết, sờ vào thấy nóng, ấn nhẹ thấy mật độ rắn chắc, không cử động được vì rất đau. Để xử trí, Đông y phối hợp các phương pháp trị liệu như thuốc xoa, thuốc uống, thuốc đắp mang lại kết quả tốt. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Thuốc uống
Bài 1: xuyên khung 10g, đương quy 12g, kê huyết đằng 16g, ngải diệp 12g, hồng hoa 6g, tô mộc 20g, cỏ xước 16g, đinh lăng 16g, đỗ trọng 10g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, trần bì 10g, hương nhu 16g, cát căn 16g, bạch mao căn 16g, nam tục đoạn 16g, lạc tiên 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: hồng hoa, tô mộc, huyết đằng hoạt huyết, làm tan máu tụ; quế, thiên niên kiện, đinh lăng, ngải diệp giảm đau; hương nhu, bạch mao căn lợi tiểu, tiêu độc; cát căn, nam tục đoạn, cỏ xước thư giãn cơ, chống co kéo. Các vị hợp lại tác dụng hết sưng, giảm đau, thư giãn cân cơ, lưu thông huyết mạch.
Bài 2: lạc tiên 16g, tang diệp 20g, hồng hoa 8g, tô mộc 20g, cát căn 16g, ngải diệp 12g, lá bưởi bung 16g, lá mã đề 16g, lá đinh lăng 16g, kê huyết đằng 12g, nam tục đoạn 16g, ngưu tất 12g, xuyên khung 10g, sâm bố chính 16g, nhục quế 8g, thiên niên kiện 10g, hắc táo nhân 16g, đương quy 12g, ngũ gia bì 12g, cát căn 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: hoạt huyết, tiêu sưng, giảm đau, an thần.
Kê huyết đằng là vị thuốc trong bài rượu thuốc trị bong gân. |
Thuốc xoa
Nguyên liệu gồm quế, thiên niên kiện, xuyên khung, rễ cúc tần, bạch chỉ bắc, kê huyết đằng, hoa hồi, tô mộc mỗi vị 15g. Các vị thái nhỏ, cho vào bình thủy tinh, đổ ngập rượu, ngâm trong 7 ngày là dùng được. Lấy bông tẩm thuốc, xoa vào nơi bị đau ngày 2 lần. Công dụng: giảm đau, lưu thông huyết mạch, chống cương tụ...
Thuốc đắp
Dùng một trong các bài:
Bài 1: lá chanh non, vỏ cây gạo, liều lượng vừa đủ. Hai thứ giã nhỏ, sao đồng tiện, đắp vào nơi bị đau, dùng vải cố định lại. Ban ngày đắp 1 miếng, tối đi ngủ thay miếng khác.