Bài thuốc trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

SKĐS - Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới và có tỷ lệ người mắc bệnh lên đến 10 - 20%.

Ở Việt Nam chưa có số thông kê cụ thể, nhưng ước tính người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có xu hướng ngày càng tăng lên. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm thanh quản, hen, viêm loét dạ dày - tá tràng...

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, xuất huyết thực quản và nhất là ung thư vòm họng, ung thư dạ dày. Theo quan điểm của y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thất tình, ăn uống, tỳ vị hư nhược gây nên. Thất tình làm can khí uất kết, ảnh hưởng đến vị phủ, khí kết lâu ngày làm cho khí huyết không lưu thông mà dẫn đến bệnh. Ăn uống không điều độ, làm tổn thương tỳ vị, công năng của tỳ vị bị rối loạn. Tỳ vị hư nhược sinh ra thấp đàm, lâu ngày hóa nhiệt, thấp nhiệt ứ trệ bên trong, vị không giáng trọc mà bị nghịch lên trên gây nên bệnh.

Người bệnh có các triệu chứng như: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau tức nóng rát vùng ngực, nước bọt tiết ra nhiều, đau họng, ho. Bệnh nhân nặng có thể bị khàn giọng, khó nuốt, không thể nằm thẳng...

Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc hay điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có hiệu quả tốt, ngoài những triệu chứng điển hình của bệnh, tùy theo từng thểbệnh mà vận dụng phép điều trị và bài thuốc khác nhau.

Hình ảnh trào ngược dạ dày.

Hình ảnh trào ngược dạ dày.

Thể can vị bất hòa

Đau vùng thượng vị, đầy trướng bụng, đau lan sang hai bên sườn, tức ngực, hay thở dài, ợ hơi nhiều, tinh thần không tốt bệnh thêm nặng, lưỡi nhạt hay hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.

Phép điều trị: sơ can giải uất, hòa vị giáng nghịch.

Bài thuốc: “Sài hồ sơ can tán” kết hợp “hương tô tán” gia giảm: sài hồ 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 6g, hương phụ 10g, tô cành 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g, uất kim 10g, huyền hồ 10g, diên hồ sách 10g, ô tặc cốt 15g, cam thảo 6g. Sắc nước uống.

Thể can vị uất nhiệt

Vùng ngực đau nóng như có lửa đốt, hồi hộp, dễ cáu gắt, miệng khô, đắng, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoặc sác.

Phép điều trị: sơ can thanh nhiệt, hòa vị giáng nghịch.

Bài thuốc: “Đan chi tiêu dao tán” kết hợp “Tả kim hoàn” gia giảm: đan bì 10g, chi tử 10g, sài hồ 10g, bạch thược 10g, xích thược 10g, trần bì 10g, bán hạ 10g, phục linh 15g, đương quy 10g, huyền hồ 10g, chỉ thực 10g, bạch truật 15g, hoàng liên 6g, ngô thù du 3g, ô tặc cốt 15g. Sắc nước uống.

Thể hàn nhiệt thác tạp

Biểu hiện đau nóng vùng ngực rõ rệt, ợ chua nhiều, bụng đau âm ỉ, thích ấn, thích chườm ấm, lúc đói đau tăng lên, ăn vào thì đau giảm, nôn ra đàm dãi, ăn kém, tay chân lạnh, đại tiện nát, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch nhu sác hoặc trầm hoãn.

Phép điều trị: hàn nhiệt bình điều, hòa vị giáng nghịch.

Bài thuốc: “Bán hạ tả tâm thang” gia giảm: bán hạ 10g, hoàng liên 6g, hoàng cầm 10g, ngô thù du 3g, trần bì 10g, phục linh 15g, huyền hồ 10g, chỉ thực 10g, ô tặc cốt 15g. Sắc nước uống.

Thể khí trệ huyết ứ

Đau nhói vùng sau ngực, bụng đầy trướng, hình thể gầy yếu, nuốt khó khăn, nặng có thể nôn ra máu, lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc huyền.

Phép điều trị: hành khí hoạt huyết, hòa vị giáng nghịch.

Bài thuốc: “Đan sâm ẩm” kết hợp “Thất tiếu tán” gia giảm: đan sâm 15g, sa nhân 6g, đàn hương 10g, bồ hoàng 10g, ngũ linh chi 10g, xuyên liên tử 10g, huyền hồ 10g, uất kim 10g, đương quy 10g. Sắc nước uống.

Thể vị âm hư nhược

Vùng sau ngực hoặc dạ dày đau âm ỉ, miệng khô háo, lòng bàn tay bàn chân nóng, người mệt mỏi, đại tiện táo, lưỡi đỏ ít tân dịch, mạch tế sác.

Phép điều trị: dưỡng âm ích vị, hòa trung giáng nghịch.

Bài thuốc: “Nhất quán tiễn” kết hợp “Thược dược cam thảo thang” gia giảm: sa sâm 15g, sinh địa 15g, đương quy 10g, thược dược 10g, xuyên liên tử 10g, mạch môn 10g, ô tặc cốt 15g, trần bì 10g, bán hạ 10g, cam thảo 6g. Sắc nước uống.


ThS. Hoàng Cao Hiếu (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam)
Ý kiến của bạn