Thủy ẩm thường tích tụ ở ngực, bụng, vị (dạ dày), trường (ruột), tay chân và trong các bộ vị khác nhau của cơ thể. Gây ra chứng này là do dương khí hư, âm khí bế tắc không vận chuyển được thủy dịch. Sự khí hóa không đầy đủ, đàm ẩm ứ đọng lại mà sinh bệnh. Biểu hiện trong vị có tiếng nước óc ách, suyễn thở đoản hơi, nôn hoặc buồn nôn. Sau lưng có vùng lạnh bằng bàn tay, hay chóng mặt, hoa mắt, có khi mặt hơi phù, ngủ nhiều, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm huyền.
Một số bài thuốc dưới đây giúp trị các chứng bệnh phát sinh từ chứng thủy ẩm để bạn đọc tham khảo:
Chứng đàm ẩm
Triệu chứng: Người bệnh vốn béo mập, bỗng nhiên sút cân, bụng trướng đầy mà đau, trong vị tràng có tiếng nước ọc ạch khó chịu, miệng khô, lưỡi ráo, mặt và mắt phù nhẹ, đại tiện táo kết, tiểu tiện vàng sẻn, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.
Điều trị: Tiêu thủy ẩm lợi tiểu.
Bài thuốc: “Kỷ tiêu lịch hoàng gia giảm”. Phòng kỷ 12g, tiêu mục 12g, đình lịch tử 12g, đại hoàng 8g. Nếu ăn kém gia bạch truật 12g, tiểu tiện ít mà vàng gia trạch tả 8g, bạch thược 8g…
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói. Phòng bệnh: Ăn đúng bữa, không ăn các thức ăn hàn lạnh, nếu không khát thì không uống nước, nếu khát không uống nhiều nước một lúc mà uống ít một.
Vị thuốc phòng kỷ.
Chứng huyền ẩm
Triệu chứng: Bệnh nhân ho, đau hai bên mạn sườn, mỗi khi thở, ho, hoặc cử động thì đau tăng lên, đoản hơi, thở gấp, rêu lưỡi trắng, mạch trầm huyền. Điều trị: Công trục thủy ẩm.
Bài thuốc: “Thập tảo thang”. Đại kích 12g, cam toại 12g, nguyên hoa 12g, đại táo 12 quả, tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp với chứng bệnh.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Chứng chí ẩm
Triệu chứng: Bệnh nhân ho nhiều khí nghịch lên, phải ngồi tựa mà thở, đờm nhiều bọt trắng, người phù nhẹ, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền khẩn.
Điều trị: Ôn phế hóa đờm ẩm.
Bài thuốc: “Tiểu thanh long thang”. Ma hoàng 12g, bạch thược 12g, quế chi 12g, bán hạ (chế) 16g, can khương 8g, ngũ vị tử 8g, tế tân 6g, cam thảo 6g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm cho thích hợp.
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Hạt đình lịch tử.
Chứng ẩm tà ứ đọng dưới tâm (nước ngoài màng tim)
Triệu chứng: Bệnh nhân hoa mắt chóng mặt buồn nôn, ho khan khí nghịch, dưới tâm có thủy dịch, ngực sườn đau tắc nghẹn và đầy, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền hoạt.
Điều trị: Kiện tỳ hóa ẩm làm hưng phấn trung dương.
Bài thuốc: “Linh quế truật cam thang”. Phục linh 16g, quế chi 12g, bạch truật 16g, cam thảo 18g, Gia: Trạch tả 20g.
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.
Chứng dật ẩm
Triệu chứng: Bệnh nhân tay chân phù nhẹ, mồ hôi không ra được, toàn thân đau nhức nặng nề khi ẩm tà đang ở biểu. Nếu hàn tà vào lý ẩm thịnh thì bệnh nhân sốt cao mà sợ lạnh, ho suyễn đờm nhiều có bọt trắng.
Điều trị: Phát hãn giải biểu.
Bài thuốc: “Tiểu thanh long thang gia giảm”. Ma hoàng 24g, hạnh nhân 10g, thạch cao 30g, sinh khương 12g, quế chi 8g, đại táo 12g, cam thảo 6g.
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn khi thuốc còn ấm.