Lại nói “Phế chủ khí, tâm chủ huyết nhưng các kinh mạch đều triều về phế, khi phế bị bệnh thì các tạng phủ khác cũng bị liên lụy tổn thương mà sinh ra đa tạng, phủ bệnh.”.
Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị chứng bệnh khác nhau ở tạng phế nhưng đều có chung một nguyên nhân.
Bài 1: A giao 12g, địa cốt bì 12g, mạch môn 8g, tang bạch bì 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 8g, hạnh nhân 8g, nhân sâm 8g, tang diệp 16g, tỳ bà diệp 12g.
Trong bài vị a giao và tang diệp là chủ dược. A giao có tác dụng: Tư âm dưỡng huyết bổ phế nhuận táo, chỉ huyết. Tang diệp có tác dụng: Thanh và tán phong nhiệt, lương huyết, sơ biểu giải nhiệt. Cam thảo cho đến 8g là liều cao vì cam thảo đi vào 12 kinh lạc, lại có vị ngọt để nhuận phế ích tinh dẫn thuốc vào các phủ tạng, để giải độc tố ở các tạng phủ giúp cơ thể giải hết nhiệt độc. Các vị thuốc khác có tác dụng bổ trợ cho 3 vị thuốc trên.
Bài thuốc có tác dụng thanh táo nhuận phế. Trị chứng ngoại cảm táo hỏa làm phế khí tổn thương, sốt cao, sợ lạnh, ho nhiều đờm, đau tức vùng ngực, khạc ra nhiều đờm dãi có khi trong đờm có máu. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt giải nhiệt độc ở phế, khi nhiệt độc xâm nhập vào phế, nung nấu sốt cao làm tổn thương dịch trong phế, dịch đóng thành keo nên sinh ra nhiều đờm. Thậm chí trong đờm có máu. Các vị thuốc trong bài đều thuộc lương dược để thanh nhiệt sinh tân dịch, hóa đờm, trừ ho bệnh sẽ khỏi. Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Những vị thuốc trong bài thuốc bổ phế A giao thang.
Bài 2: Thanh táo cứu phế (tên khác Thương hàn đại bạch): a giao 3,2g, cam thảo 4g, hạnh nhân 2,8g, hồ ma nhân 4g, mạch môn 4,8g, nhân sâm 2,8g, tang diệp 12g, thạch cao 10g, tỳ bà diệp 1 lá. Tang diệp vị ngọt nhẹ để tuyên táo khí ở phế, thạch cao thanh táo nhiệt ở phế và vị, làm quân. A giao, mạch môn, hồ ma nhân có tác dụng nhuận táo tư dịch làm thần. Nhân sâm ích khí, sinh tân, hạnh nhân, tỳ bà diệp tả phế giáng nghịch làm tá. Cam thảo điều hòa các vị thuốc làm sứ. Toàn bài thuốc có tác dụng: Thanh táo nhuận phế, trị độc tà ở phần khí, bệnh nhân sốt cao, ho khan, không có đờm, thở nghịch, họng khô, mũi khô, ngực đầy tức, đau xuống hai mạn sườn. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn 15 phút.
Bài 3: Thanh phế ức hỏa hoàn. Gồm xuyên bối mẫu 90g, cát cánh 80g, chi tử 80g, đại hoàng 120g, hoàng bá 40g, hoàng cầm 120g, khổ sâm 60g, thiên hoa phấn 80g, tiền hồ 40g. Bài thuốc có tác dụng: Thanh phế, chỉ khái, hóa đờm, thông đại tiện. Điều trị chứng: Phế nhiệt, ho, đờm màu vàng dính, họng khô, đau họng, đại tiện táo bón. Bài thuốc dùng trong trường hợp trong một gia đình, một dòng họ, hoặc một địa phương nhiều người mắc chứng ho. Cách dùng: Tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 6g, trước khi ăn sáng và tối, trước khi đi ngũ. Uống liên tục cho đến khi hết sốt, ho và các triệu chứng khác.
Bài 4 - Bổ phế A giao thang (bài thuốc dùng cho trẻ em 4-8 tuổi) gồm: A giao châu (sao phồng) 30g, chích cam thảo 8g, hạnh nhân (bỏ vỏ, bỏ đầu nhọn sao) 7 hạt, mã đậu linh 10g, ngạnh mễ (sao) 30g, ngưu bàng tử (sao có mùi thơm) 10g. A giao có tác dụng tư âm dưỡng huyết làm quân. Ngạnh mễ, chích cam thảo kiện tỳ ích khí, bồi thổ để sinh kim làm thần. Mã đậu linh, ngưu bàng tử để thanh nhiệt giáng khí, lợi hung cách, hóa đờm làm tá. Hạnh nhân nhuận phế hóa đờm, chỉ khái, bình suyễn làm sứ. Các vị thuốc hợp lại có tác dụng: Dưỡng âm, thanh phế, chỉ khái, bình suyễn. Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần, uống trước khi ăn sáng, trưa, tối 15 phút. Uống liên tục 15 ngày bệnh khỏi.