Quả nhãn tròn, vỏ quả vàng, trơn, nhẵn. Khi chín thì ngọt, thơm, ăn ngon. Quả chín vào tháng 7-8. Quả nhãn có tên khoa học là Euphoria longana Lamk., thuộc họ Bồ hòn - Sapindaceae.
1. Cách chế long nhãn nhục dùng làm thuốc
Long nhãn nhục được làm từ cùi nhãn. Chế long nhãn nhục bằng cách, nhãn bẻ xuống, loại bỏ những quả đã nứt vỏ, quả đỏ, điếc. Những quả tươi, lành lặn được lựa chọn buộc thành chùm quả liền cành, đem nhúng vào nước sôi vài ba phút, rồi lấy ra, ngày phơi đêm sấy cho đến khi cùi đã teo khô, cầm lắc nghe tiếng sọc sạch thì bóc ra lấy cùi.
Cùi đem sấy tiếp ở nhiệt độ 50-60 độ C cho đến khi sờ thấy ráo tay là được, chứa vào chum vại, đậy kín hoặc đóng vào túi ni lông để bảo quản.
Long nhãn được làm từ cùi nhãn sấy khô.
Những chú ý để bảo đảm phẩm chất long nhãn nhục:
+ Không dùng những quả điếc, nhãn trơ, đã nứt vỏ hoặc thối.
+ Không lẫn mảnh vỏ, hạt điếc, cát bụi, chống ruồi nhặng bâu vào, cần che phủ màn thưa khi phơi nắng.
+ Cấm xông lưu huỳnh để bảo quản.
+ Long nhãn cần có vị ngọt tự nhiên, màu vàng cánh gián, không lẫn nhãn thối màu đen, khô ráo, cùi nhãn rời đều.
Đặc điểm của long nhãn nhục: Theo Đông y, long nhãn nhục vị ngọt, tính bình, quy kinh tâm, tỳ, có tác dụng bổ tâm tỳ, ích trí, thần; chủ trị chữa suy yếu, thiếu máu, thần kinh suy nhược, mất ngủ. Liều dùng: 4-12g/ngày.
Bên cạnh long nhãn nhục còn có thể sử dụng hạt nhãn có vị đắng, chát, tác dụng chỉ huyết, lợi thấp, thông tiểu, trị bị thương chảy máu, bí tiểu tiện.
Long nhãn nhục được dùng chữa nhiều bệnh.
2. Bài thuốc quý chứa long nhãn nhục
- Rượu bổ huyết: Long nhãn nhục 100g, đương quy 50g, ngưu tất 50g, rượu trắng vừa đủ. Cho các nguyên liệu vào rượu ngâm trong 2- 3 tuần là có thể dùng được nhưng có thể ngâm lâu hơn. Ngày uống 1 chén 20 - 30ml.
- Chữa suy yếu, thiếu máu, thần kinh suy nhược, mất ngủ: Long nhãn nhục 12g, liên nhục 12g, quả dâu chín 12g, sinh địa 12g, đương quy 12g. Sắc uống.
- "Qui tỳ thang": Chủ trị tâm tỳ đều hư, mất ngủ hồi hộp hay quên.
Thành phần: Long nhãn nhục 24g, đương quy 8g, phục thần 16g, táo nhân sao 8g, viễn chí chế 8g, mộc hương 4g, nhân sâm 24g, trích hoàng kỳ 24g, bạch truật 24g, cam thảo 4g, đại táo 5 quả, sinh khương 3 lát. Sắc uống ấm.
- "Nhị long ẩm": Tác dụng bổ tinh huyết; chủ trị lo nghĩ thương tỳ, mất ngủ, đạo hãn, sốt chiều, khát, tiện táo, miệng lở, da khô.
Thành phần: Long nhãn nhục 40g, cao ban long 40g. Sắc thành cao lỏng, hòa cao, uống 15ml/lần, ngày 02 lần.
- " Bổ tỳ âm tiễn": Tác dụng bổ tỳ vị âm; chủ trị tỳ vị âm hư, bụng đày tức, ợ chua.
Thành phần: Long nhãn nhục 32g, thục địa 40g, cao ban long 40g, bố chính sâm 80g, bạch truật 160g, can khương thán 4g. Sắc thành cao lỏng, hòa cao, uống 15ml/lần, ngày 02 lần. .
- "Bổ tâm tỳ an thần hoàn": Tác dụng bổ tâm tỳ, an thần; chủ trị mất ngủ do tâm tỳ hư yếu.
Thành phần: Long nhãn nhục 20g, toàn hạt sen 40g, lá vông 20g, táo nhân sao đen 20, lá dâu 20g, bá từ nhân sao 20g, hoài sơn 40g. Tán, hoàn viên. Uống 8-12g/lần, ngày 2-3 lần.
Toàn hạt sen trong bài thuốc "Bổ tâm tỳ an thần hoàn" trị mất ngủ.
- "Long nhãn thang"
Bài 1- Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ: Long nhãn nhục 16g, tâm sen 8g, lạc tiên 16g, hoa bưởi 4g. Sắc uống.
Bài 2 - Chủ trị thiếu máu, suy nhược: Long nhãn nhục 10g, hạt sen 10g, quả dâu chín 10g, sinh địa 10g, đương quy 10g. Sắc uống.
3. Bài thuốc từ hạt nhãn
- Bị thương chảy máu: Hạt nhãn tùy dùng, đốt tồn tính, tán mịn rồi bôi vào vị trí tổn thương.
- Bí tiểu tiện: Hạ nhãn (bỏ lớp đen, giã dập) 30g, hành trắng 20g. Sắc uống.
Mời bạn xem tiếp video:
Những lưu ý hữu ích khi ăn và chọn quả nhãn | SKĐS