Bài thuốc Nam trị phong thấp

16-05-2015 07:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Phong thấp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng không hiếm người ở độ tuổi 20 - 40 cũng mắc bệnh. Bệnh diễn biến dai dẳng.

Phong thấp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng không hiếm người ở độ tuổi 20 - 40 cũng mắc bệnh. Bệnh diễn biến dai dẳng. Khi thời tiết thay đổi thất thường, người bệnh rất khổ sở. Ban đầu là sưng đau các khớp ngón tay và cổ tay. Sau đó, chuyển dần tới khuỷu tay, mắt cá chân và các khớp khác. Ðặc trưng của bệnh là các khớp sưng đau có tính chất đối xứng. Khi trở thành mạn tính, người bệnh sẽ thêm triệu chứng cứng chân, cứng tay vào sáng sớm khi ngủ dậy, cơ thể suy nhược... Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc Nam trị bệnh rất phong phú và hiệu quả. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Người bệnh phong thấp đau các khớp có tính chất đối xứng.

Khi thời tiết thay đổi, người bệnh đau nhức khớp âm ỉ, khó ngủ trằn trọc, đi lại khó khăn. Dùng một trong các bài:

Bài 1: thạch xương bồ, tang chi, rễ cỏ xước, cam thảo mỗi vị 12g; thổ phục linh, rễ bưởi bung mỗi vị 16g; nam tục đoạn 20g; quế 10g. Các vị rửa sạch cho vào nồi, đổ 1 lít nước, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 2: ngải diệp, kinh giới, trinh nữ mỗi vị 16g; ngũ gia bì, cẩu tích mỗi vị 12g; thổ phục linh 20g; quế chi, thiên niên kiện mỗi vị 10g. Các vị rửa sạch cho vào nồi, đổ 1 lít nước, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Người bệnh có biểu hiện khớp gối đau mỏi, chân tay lạnh, cứng khớp, cơ thể suy nhược, đi đứng chậm chạp (thể hàn thấp), dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng phong, quế chi, thiên niên kiện mỗi vị 10g; kinh giới, kê huyết đằng, nam tục đoạn, rễ bưởi bung mỗi vị 16g; tế tân, xuyên khung, cà gai leo, cẩu tích, chích thảo mỗi vị 12g. Các vị rửa sạch cho vào nổi, đổ 1 lít nước sắc lọc bỏ bã còn 350ml. Chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 2: hà thủ ô (chế), rễ cúc tần, nam tục đoạn mỗi vị 12g; thổ phục linh, độc hoạt, đơn hoa mỗi vị 16g; rễ cây xấu hổ, cỏ xước, thiên niên kiện mỗi vị 20g; quế chi 10g. Các vị rửa sạch cho vào nồi, đổ 1 lít nước sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Người bệnh có biểu hiện đau khớp chạy từ khớp này đến khớp kia, có thể sốt, đau tức ngực, khó thở, toàn thân mệt mỏi (thể phong thấp). Dùng một trong các bài:

Bài 1: xuyên khung, đan sâm, phòng phong, ngưu tất, bạch thược, đương quy, mỗi vị 12g; kinh giới, ngải diệp, thổ phục linh, độc lực, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; thục địa 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 2: hoài sơn, ngũ gia bì, nam tục đoạn, độc hoạt, kinh giới, mỗi vị 16g; liên nhục, cẩu tích, hà thủ ô (chế), đơn hoa, hy thiêm, mỗi vị 12g; phòng phong 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Người bệnh có biểu hiện đau vai cổ, đau lan xuống một bên cánh tay, đầu khó cử động, có cảm giác tê bì. Dùng một trong các bài:

Bài 1: ngưu tất, ngải diệp, kinh giới, mỗi vị 16g; thiên niên kiện, đương quy, thạch xương bồ, mỗi vị 12g; quế chi, trần bì, phá cố chỉ, tế tân, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang (uống nóng).

Bài 2: thổ phục linh 20g; ngải diệp, rễ cỏ xước, rễ bưởi bung, mỗi vị 16g; hà thủ ô (chế), nam tục đoạn, lá lốt, rễ cúc tần, cà gai leo, chích thảo, mỗi vị 12g; quế chi, thiên niên kiện, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

 

 


Ý kiến của bạn