Bệnh nhân có biểu hiện tính tình nóng nảy, hồi hộp, nhiều mồ hôi, dễ đói, tâm trạng thay đổi thất thường, rối loạn kinh nguyệt, chân tay lạnh, cảm thấy vô cùng lạnh về mùa đông và nóng quá mức về mùa hè, người gầy sút cân, ngón tay run giật, tuyến giáp to, mắt lồi...
Theo Y học cổ truyền, bệnh cường giáp thuộc phạm trù chứng “can hỏa”, “anh lựu”. Chứng anh lưu phát sinh không do âm dương chính khí kết thũng thì cũng do ngũ tạng ứ huyết, trọc khí đàm trệ gây ra. Bệnh liên quan đến rối loạn tình chí; bệnh lý chủ yếu là do khí uất, đàm kết, huyết ứ, hỏa uất, âm hư gây nên. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, có thể điều trị theo các hướng sau:
Thể can khí uất trệ: Do vui giận thất thường, ưu tư quá độ. Trên lâm sàng, bệnh nhân có biểu hiện bứt rứt, dễ cáu gắt, lo lắng nhiều, ngực sườn đau tức, bụng đầy ăn ít, rìa lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền. Phép trị là sơ can thanh nhiệt, lý khí giải uất. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1 - Đơn chi tiêu dao tán gia giảm: đơn bì 12g, chi tử 12g, sài hồ 8g, đương quy 16g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, bạc hà (cho sau) 10g, trần bì 10g, hậu phác 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống.
Bài 2: hoàng dược tử 24g, côn bố 24g, hải tảo 24g, hải phù thạch 24g, hải cáp phấn 24g, sinh mẫu lệ 24g, lộ lộ 24g, mộc hương 8g, tam lăng 15g, nga truật 15g, trần bì 10g, đại hoàng 8g. Sắc uống. Tác dụng tiêu anh phá khí. Trị cường tuyến giáp thể can uất đàm kết.
Cường giáp là một bệnh nội tiết thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Thể can hỏa thịnh: Người bệnh có biểu hiện bứt rứt, nóng nảy hay cáu gắt, sắc mặt đỏ ửng, sợ nóng, miệng đắng, mồ hôi ra nhiều, chóng mặt hoa mắt, chân tay run, lưỡi đỏ, rêu mỏng vàng, mạch huyền sắc. Nếu do can hỏa phạm vị, bệnh nhân dễ đói, ăn nhiều. Phép trị là thanh can tả hỏa. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1 - Long đởm tả can thang gia giảm: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, thiên hoa phấn 12g, sinh địa 16g, bạch thược 16g, ngọc trúc 20g. Sắc uống.
Trường hợp vị nhiệt dễ đói, ăn nhiều, gia hoàng liên 6g, thạch cao 20g để tả vị nhiệt. Nếu người bệnh tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, mặt đỏ tay run, gia trân châu 10g, từ thạch 10g, câu đằng 10g, địa long 8g để bình can tiềm dương. Nếu đại tiện táo bón, gia đại hoàng 8-10g để thông tiện.
Bài 2: côn bố 15g, hải tảo 15g, mẫu lệ 15g. Sắc uống ngày 1 thang; uống liên tục nhiều ngày. Dùng cho thể can khí uất.
Thể tâm âm hư: Người bệnh biểu hiện bứt rứt khó ngủ, hồi hộp, ra mồ hôi, mệt mỏi hụt hơi, chất lưỡi đỏ bóng, ít rêu hoặc rêu mỏng, mạch tế sác. Phép trị là dưỡng tâm an thần, tư âm sinh tân. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1 - Bổ tâm đơn gia giảm: sa sâm 16g, huyền sâm 12g, đơn sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, đương quy 12g, sinh địa 12g, bá tử nhân 12g, ngũ vị tử 4g, táo nhân sao 20g, viễn chí 6g, chu sa 1g (tán bột mịn, hòa vào thuốc sắc cho uống). Trường hợp thận âm hư (ù tai, miệng khô, vùng thắt lưng đau, gối mỏi), thêm trinh nữ tử 10g, hạn liên thảo 10g, quy bản 12g, kỷ tử 10g để bổ thận âm; nếu âm hư hỏa vượng, gia tri mẫu 10g, hoàng bá 10g để tư âm tả hỏa.
Long đởm thảo là vị thuốc trong bài “Long đởm tả can thang gia giảm” trị cường tuyến giáp thể can hỏa thịnh.
Thể đàm thấp ngưng trệ: Người bệnh có tuyến giáp to, ngực đầy tức không muốn ăn, nôn, buồn nôn, đại tiện lỏng, lưỡi bệu, rêu dày nhớt, mạch nhu hoạt. Phép trị là hóa đàm lợi thấp, nhuyễn kiên tán kết. Dùng một trong các bài:
Bài 1 - Hải tảo ngọc hồ thang gia giảm: hải tảo 20g, côn bố 20g, hải đới 20g, bán hạ 12g, bối mẫu 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, đương quy 12g, thanh bì 10g, xuyên khung 6g. Trường hợp ngực tức sườn đau, gia xuyên luyện tử 10g, diên hồ sách 10g để sơ can chỉ thống. Nếu người bệnh nôn, buồn nôn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, gia bạch truật 10g, ý dĩ nhân 12g, biển đậu 12g để kiện tỳ trừ thấp.
Bài 2: xuyên bối mẫu 15g, côn bố 15g, đan sâm 15g, ý dĩ 30g, đông qua 60g, đường đỏ vừa đủ. Sắc xuyên bối mẫu, côn bố, đan sâm lấy nước, bỏ bã, nấu với ý dĩ, đông qua thành cháo. Ăn ngày 1 thang; liên tục 15 - 20 thang. Dùng tốt cho người bệnh cường tuyến giáp thể đàm thấp kết tụ.
Trên lâm sàng, bệnh thường là đàm hỏa hư thực thác tạp nên có thể phân theo thể nhẹ, nặng, chứng nguy, biến chứng để điều trị và điều trị với thời gian dài.