Bài thuốc hỗ trợ trị chứng lẩn thẩn ở người cao tuổi

SKĐS - Chứng ngây dại, lẩn thẩn ở người cao tuổi tây y thường gọi là bệnh Alzheimer. Đây là một trong những căn nguyên phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già.

1. Chứng lẩn thẩn, ngây dại ở người cao tuổi

Chứng lẩn thẩn, ngây dại (Alzheimer) là một bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên vẫn có thể đến ở độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi.

Bệnh có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tới trí nhớ, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.

Các triệu chứng thường gặp như thường xuyên cảm thấy khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây và gần như không có khả năng tiếp thu thêm thông tin mới; giảm sự tập trung, chú ý, thờ ơ với mọi việc; giảm các khả năng lập kế hoạch và tư duy trừu tượng; suy giảm nhận thức nhẹ…

Bài thuốc hiệu nghiệm hỗ trợ trị chứng lẩn thẩn ở người cao tuổi - Ảnh 2.

Những biến đổi về cấu trúc não của người bệnh Alzheimer so với người bình thường.

Đông y có nhiều bài thuốc chữa chứng ngây dại, lẩn thẩn ở người cao tuổi. Trong đó bài Hoàn thiếu đan tỏ ra có hiệu quả trên lâm sàng.

2. Bài Hoàn thiếu đan (Hồng thị tập nghiệm phương)

2.1. Thành phần bài thuốc

Gồm: Can sơn dược (hoài sơn phơi khô) 45g, ngưu tất 45g (tẩm rượu 1 đêm sao, sấy khô), sơn thù du 30g, bạch phục linh 30g (bỏ vỏ), ngũ vị tử 30g, nhục thung dung 30g (tẩm rượu 1 đêm, sao sấy khô), thạch xương bồ 30g, ba kích 30g (bỏ lõi), viễn chí 30g (bỏ lõi tẩm nước gừng hoặc cam thảo rồi sao khô), đỗ trọng 30g (dùng nước gừng và rượu cùng tẩm đều rồi sao khô), thử thực 30g, hồi hương (tiểu hồi) 30g, câu kỷ tử 15g, thục địa hoàng 15g.

Bài thuốc hiệu nghiệm hỗ trợ trị chứng lẩn thẩn ở người cao tuổi - Ảnh 3.

Ngưu tất vị thuốc có tác dụng bổ can thận trong bài thuốc Hoàn thiếu đan.

2.2. Cách dùng và công dụng của bài thuốc

Các vị thuốc tán thành bột, đựng vào viên nang, mỗi lần uống từ 3 - 5 viên, một ngày uống 3 lần, uống với nước ấm.

Nếu làm thuốc viên cho thêm 30g đại táo chỉ lấy cùi, bỏ hột. Cùi táo giã nát, đun với mật, rồi trộn với hỗ hợp thuốc bột trên, làm viên, to như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên, uống với rượu hâm nóng và nước muối. Uống vào lúc đói, ngày uống 3 lần.

Công dụng: Ôn bổ tỳ thận, dưỡng tâm, an thần.

Chủ trị: Hư tổn lao thương, tỳ thận hư hàn, tâm huyết bất túc.

Bài thuốc hiệu nghiệm hỗ trợ trị chứng lẩn thẩn ở người cao tuổi - Ảnh 4.

Cao sơn dược có tác dụng ích tỳ vị.

2.3. Giải thích về bài thuốc (phương giải)

Bài thuốc này chủ yếu chữa chứng tỳ thận hư hàn, cho nên dùng phép bổ thận ích tỳ.

Trong bài thuốc, nhục thung dung, ba kích thiên, hồi hương đều có thể ôn thận tráng dương, tỳ mạnh (kiện vận), vận hóa khỏe, cùng làm chủ được.

Thục địa hoàng, câu kỷ tử đều bổ ích thận thủy, thận thủy đầy đủ giúp cho hỏa và hỏa sẽ không bốc lên, không gây hại. Tất cả đều là thuốc phụ trợ.

Đỗ trọng, ngưu tất bổ can thận, mạnh lưng và đầu gối.

Sơn dược, phục linh ích tỳ vị. Sơn thù du, ngũ vị bổ thận nhuận phế, sáp tinh liễm hãn (cầm mồ hôi). Viễn chí, xương bồ giao thông giữa tâm với thận, an thần ích trí.

Chỉ thực kiện tỳ dưỡng thận, ích khí minh mục (mắt sáng). Đại táo điều hòa tỳ vị, bổ khí ích huyết, phối hợp thành một bài thuốc có đầy đủ công hiệu bổ thận ích tỳ.

2.4. Ứng dụng lâm sàng

Đây là bài thuốc tiêu biểu về ôn bổ tỳ thận, dưỡng tâm an thần. Trên lâm sàng người ta lấy triệu chứng tỳ thận hư hàn, ăn uống giảm sút, cơ thể gầy mòn, mệt mỏi, tai điếc, mắt mờ, lưng gối nặng nề, răng sưng đau, phát nhiệt ra mồ hôi trộm, di tinh bạch trọc (nước tiểu đục như sữa), chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm tế làm quan trọng của biện chứng.

Bài thuốc hiệu nghiệm hỗ trợ trị chứng lẩn thẩn ở người cao tuổi - Ảnh 6.

Người bệnh Alzheimer tốt nhất không uống rượu bia.

Theo sách "Nhân trai trực chỉ phương luận" cũng có bài "Hoàn thiếu đan" này nhưng còn được bổ sung thêm 2 vị: Tục đoạn và thỏ ty tử, mỗi vị 30g.

Chứng bệnh ngây dại lẩn thẩn của người già cần phải kiên trì uống thuốc.

Người già tính khí hao tổn, ngũ tạng suy nhược cho nên về nguyên tắc, phải kiêng kỵ những vị thuốc quá mạnh: Đại ôn (quá nóng), đại lương (quá mát), đại hãn (ra nhiều mồ hôi)... không thể dùng như để chữa cho những người còn trẻ khỏe.

Thường ngày không nên ăn uống quá no, ăn uống giàu chất dinh dưỡng mà dễ tiêu hóa là thích hợp.

Người nghiện thuốc lá, tốt nhất là phải cai nghiện, không hút. Còn rượu cũng phải hạn chế đến mức thấp nhất, tốt nhất là không uống. Ngoài ra, tránh kích thích tinh thần cũng là điều vô cùng quan trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?

Lương y Trần Văn Quảng
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Đông y Việt Nam Phó Tổng biên tập Tạp chí Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn