Bài thuốc hỗ trợ phòng trị tăng huyết áp và xơ vữa động mạch

SKĐS - Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg): thuộc phạm vi các chứng huyễn vựng, đầu thống, can dương... của y học cổ truyền.

Thể âm hư: hay gặp ở người trẻ, phụ nữ tiền mãn kinh, biểu hiện: chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, mất ngủ, hay quên, lòng bàn tay, chân nóng, lưỡi đỏ ít rêu. Mạch huyền hoạt sác. Phép chữa: tư âm, tiềm dương. Dùng bài: hạ khô thảo 10g, tang ký sinh 20g, hoa hòe 20g, rau má 30g, hạt muồng 16g, lá tre 20g, tâm sen 8g, ngưu tất 12g, cỏ nhọ nồi 16g, rễ cỏ tranh 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể can thận hư: Hay gặp ở người già, xơ cứng động mạch. Người bệnh có triệu chứng: nhức đầu, chóng mặt hoa mắt, ù tai, ngủ ít hay mê, lưng gối yếu, mắt đỏ, lưỡi đỏ... Dùng bài: hà thủ ô 10g, tang ký sinh 12g, kỷ tử 12g, sinh địa 12g, quả dâu chín 12g, mẫu lệ 20g, ngưu tất 12g, trạch tả 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể tâm tỳ hư: Hay gặp ở người già có kèm theo loét dạ dày tá tràng và viêm đại tràng mạn. Biểu hiện: Sắc mặt trắng, mệt mỏi, ngủ ít, ăn kém hay đi phân lỏng, đầu choáng hoa mắt. Dùng bài: bạch truật 12g, đẳng sâm 12g, hạt sen 16g, đan sâm 4g, thạch xương bồ 8g, hạt muồng 12g, ý dĩ 16g, tâm sen 8g, ngưu tất 12g, hoài sơn 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể đàm thấp: Hay gặp ở người béo, có cholesterol trong máu cao, biểu hiện: Người béo mập, béo bệu, ngực sườn đầy tức, hay lợm giọng, buồn nôn, ăn ít, ngủ kém, đầu có cảm giác tức căng. Dùng bài: bán hạ 8g, trần bì 12g, tinh tre 12g, hạ khô thảo 12g, hoa hòe 12g, tỳ giải 12g, rễ cỏ tranh 12g, hạt muồng 8g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tăng huyết áp do xơ cứng động mạch, bệnh thận: dùng bài: tang ký sinh (tầm gửi cây dâu) 16g, chi tử 12g, xuyên khung 8g, trạch tả 8g, câu đằng 12g, ngưu tất 12g, ý dĩ 12g, sa tiền 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bạch chỉ là vị thuốc trị xơ vữa mạch vành thể can thận âm hư.

Bạch chỉ là vị thuốc trị xơ vữa mạch vành thể can thận âm hư.

Xơ vữa động mạch

Thể can thận âm hư: Người bệnh có triệu chứng: chóng mặt, ù tai, hoa mắt, da tê buồn, lòng bàn tay, chân nóng, ngủ ít, lưỡi đỏ, mạch huyền tế sác... Phép chữa: bổ can thận, tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương... Dùng bài: hà thủ ô 16g, nữ trinh tử (lá cây xấu hổ) 12g, cỏ nhọ nồi 12g, rễ gai 12g, tang ký sinh 12g, hoàng tinh 12g, thiên môn 8g, qua lâu 8g, bạch chỉ 6g, uất kim 8g, kê huyết đằng 12g, hồng hoa 8g, tang thầm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể tâm tỳ hư: Người bệnh có triệu chứng: đầu choáng, hoa mắt, thở ngắn gấp, hồi hộp, ngủ ít, sắc mặt trắng bệch, môi nhợt nhạt, chất lưỡi nhạt, mạch nhỏ vô lực. Phép chữa: Kiện tỳ an thần. Dùng bài: đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 12g, táo nhân 8g, bá tử nhân 8g, long nhãn 8g, tang thầm 12g, hoàng kỳ 8g, đương quy 8g, uất kim 6g, phục linh 8g, viễn chí 8g, thục địa 12g đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trên đây là một số bài thuốc phòng chữa tăng huyết áp và xơ vữa động mạch khi bệnh được phát hiện sớm, các triệu chứng bệnh còn nhẹ. Bệnh nặng, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng y học hiện đại hoặc có kết hợp với điều trị y học cổ truyền.

Ăn uống phòng bệnh

Để đề phòng các bệnh tim mạch và chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình, chúng ta nên chú ý ăn uống hợp lý, vận động có ôxy, cân bằng tâm lý.

Ăn uống: Nên dùng các loại đồ uống và thực phẩm sau đây:

Rượu vang đỏ có tác dụng chống suy lão, chống đột quỵ, hạ mỡ máu, hạ huyết áp. Uống rượu vang đỏ 50 - 100ml mỗi ngày giúp hạ huyết áp, hạ mỡ máu.

Ngô: Trong ngô già có chứa nhiều noãn lân chi, á dụ toan, cố vật thuần, vitamin E cho nên không xảy ra tăng huyết áp và xơ mỡ động mạch, phòng chống được các bệnh tim mạch khác, đồng thời tăng được tuổi thọ.

Mộc nhĩ đen: Tác dụng làm cho máu không đông đặc. Ăn mộc nhĩ đen hàng ngày sẽ có tác dụng chống đông máu phòng bệnh nhồi máu cơ tim.

Rong biển hình xoắn ốc (rong xoắn): Giá trị dinh dưỡng đặc biệt phong phú, phân bổ dinh dưỡng rất cân bằng và là loại thức ăn kiềm tính. Ăn rong xoắn có thể chữa và phòng được bệnh tim mạch, hạ huyết áp và hạ mỡ máu.

Thức ăn động vật nên ăn loại nào?

Nếu trong bữa cơm có cả thịt bò và thịt lợn thì nên ăn thịt lợn. Nếu có thịt lợn và thịt dê thì nên ăn thịt dê. Có thịt dê và thịt gà thì ăn thịt gà. Có thịt gà và cá thì ăn cá. Có cá và tôm thì ăn tôm. Chỉ nên ăn no vừa phải; trong đó 6 phần là thức ăn từ thực vật, thức ăn từ động vật chỉ 4 phần.

Thoải mái về tinh thần, tránh các stress, ngủ tốt, tích cực vận động có ôxy và đừng quên nụ cười; chú ý cân bằng ẩm thực, chú ý trạng thái tâm lý thì sẽ dễ dàng vượt qua tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn còn khỏe mạnh.


BS. Nguyễn Kỳ
Ý kiến của bạn