1. Rối loạn kinh nguyệt - Nguyên nhân và hậu quả
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt có thể do ảnh hưởng của nội tiết tố trong các giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ như dậy thì, mãn kinh, mang thai, sinh con, cho con bú…
Có thể do nguyên nhân thực thể như thai nghén bất thường, tổn thương thực thể của cổ tử cung, polyp cổ tử cung…; thay đổi điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, vận động quá mức, một số thuốc gây rối loạn kinh nguyệt…
Rối loạn kinh nguyệt nếu không được điều trị kịp thời có thể gây thiếu máu, nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, vô sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục, nhan sắc của người phụ nữ, thậm chí có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm.
Theo Bệnh học phụ khoa Đông y của TTND.BSCC Trần Văn Bản rối loạn kinh nguyệt gồm có rối loạn về chu kỳ: Ngắn quá hoặc dài quá theo chu kỳ chung (một tháng một lần) hoặc theo chu kỳ đặc thù riêng của cá thể phụ nữ; hoặc thất thường khi có khi mất.
Kinh nguyệt đến sớm trước kỳ kinh (kinh sớm, kinh trồi) thường do thực do nhiệt. Kinh nguyệt đến sau kỳ (kinh muộn, kinh sụt) thường do hư do hàn.
Rối loạn về lượng và chất kinh huyết khi nhiều khi ít hoặc ngày hành kinh quá dài, quá ngắn… không theo hằng định của mỗi cơ thể.
2. Bài thuốc Hương ngải ích mẫu tan trị rối loạn kinh nguyệt
Theo Nam y nghiệm phương của TTƯT. LY.DSCKII Nguyễn Đức Đoàn bài thuốc Hương ngải ích mẫu tan có tác dụng trị rối loạn kinh nguyệt.
Thành phần bài thuốc gồm các vị: Hương phụ 1.000g, ngải cứu 300g, ích mẫu 500g.
Bài thuốc chủ trị phụ nữ kinh nguyệt không đều với các nguyên nhân:
- Do huyết nhiệt: Với biểu hiện sắc huyết đỏ sẫm, thể trạng gầy và nhiệt.
- Do đờm thấp (có khi kết hợp với hàn): Với các biểu hiện sắc huyết nhợt, đục, thể trạng béo mập.
- Do huyết trệ: Với các biểu hiện sắc huyết đen, có khi tanh hôi, bụng đau hoặc đầy.
- Do huyết khô: Người gầy yếu, tinh thần mỏi mệt, ăn uống kém giảm sút.
- Thống kinh: Khi hành kinh đau bụng.
- Do tích kinh: Cách khoảng hàng tháng bụng dưới đau, nổi hòn, nổi cục hoặc thành khối.
Cách dùng, liều lượng
Hương phụ ngâm nước tiểu 1 ngày 1 đêm (24 giờ), rửa sạch, để ráo phơi khô, tẩm rượu, sao vàng, tán bột mịn. Ngải cứu, ích mẫu sấy khô tán bột mịn. Trộn đều với bột hương phụ.
Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15 – 20g trước bữa ăn với nước chín.
Chú ý gia giảm:
- Trường hợp người nóng hay nhức đầu, hoa mắt gia thêm chi tử (sao) 100g.
- Trường hợp huyết trệ, bụng dưới ậm ạch khó chịu, hành kinh huyết ra màu thâm đen hoặc lẫn tạp chất gia thêm: Nam mộc hương 100g, vỏ bưởi (sao vàng) 100g.
- Khi hành kinh bụng dưới đau nhói, đến khi sạch kinh khỏi đau gia thêm: Ngũ linh chi 100g.
- Khi hành kinh bụng dưới đầy tức, có khối, thường đau bụng gia thêm: Nga truật 100g, vỏ bưởi (sao) 100g, nam mộc hương 100g.
- Bụng dưới thường hay đầy, có khi đau, gặp lạnh đau hơn, có khi đại tiện lỏng gia thêm: Nhục quế 20g, tiểu hồi 20g.
- Trường hợp kinh nguyệt không đều, nhức đầu hoa mắt, đôi khi gai sốt, trong người bứt rứt, khó chịu, mạch huyền sắc dùng bài Bát vị tiêu dao thang gia vị.
Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc sau: Bạch linh 10g, bạch truật 8g, đan bì 6g, huyền sâm 10g, bạch thược 8g, sài hồ 8g, chi tử 8g, sinh địa 12g, đương quy 10g, cam thảo 4g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trường hợp ảnh hưởng gan, khí xông, hông sườn tức nhói gia thêm ô dược 100g.
- Trường hợp kinh nguyệt ít, không thông gia thêm: Đào nhân 80g, hồng hoa 80g.
- Trường hợp kinh nguyệt không đều, lượng huyết ít, người gầy là thiếu máu dùng bài Tứ vật thang gia vị.
Thành phần bài thuốc gồm các vị: Xuyên khung 12g, xuyên quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, hương phụ 8g, ích mẫu 8g, đào nhân (dùng lượng ít) 4g, hồng hoa (dùng lượng ít) 4g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Khi gặp chứng huyết khô, huyết ít mà kinh nguyệt không đều thì không được dùng thuốc điều kinh mà nên uống Tứ vật thang gia thêm: Sa sâm 16g, hoàng kỳ 12g hoặc uống Bát trân thang.
- Khi gặp trường hợp kinh nguyệt không đều, lượng kinh rất ít, khi có khi không thì cần phải dùng thuốc đại bổ khí huyết (Bát trân thang hoặc Thập toàn đại bổ thang), vì có bổ khí thì mới sinh được huyết, huyết đủ thì lượng kinh mới đủ, hành kinh mới đều.
- Khi gặp người bệnh quá yếu, khí huyết đều suy tổn phải dùng thêm bài Thập toàn đại bổ hoàn.
Lưu ý bài thuốc chỉ để tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng gây nhiều tổn hại cho sức khỏe, cần có tư vấn và chỉ định dùng thuốc theo bác sĩ đông y.
3. Phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt
- Giữ vệ sinh kinh nguyệt.
- Không lao động nặng, tránh các kích thích mạnh cả thể xác và tinh thần trong khi đang hành kinh.
- Ăn uống hợp lý, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức dễ tiêu.
- Chỗ ở thoáng, tránh gió lùa, đủ ấm, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi điều độ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hành trình an toàn – bảo vệ bạn, gia đình và những người bạn thương yêu