Bài thuốc giảm đau nhức xương khớp dễ thực hiện tại nhà

SKĐS - Để làm giảm đau nhức xương khớp, y học cổ truyền có nhiều biện pháp và bài thuốc, trong đó có bài thuốc từ nước dừa với lá trầu không.

Trong kho tàng thảo dược dân gian, rất nhiều vị thuốc tuy rất đơn giản nhưng được sử dụng đúng lúc, đúng trường hợp, có thể đem lại hiệu quả bất ngờ.

Nước dừa với lá trầu không là một sự kết hợp hiệu quả, có khả năng làm giảm, dịu các cơn đau nhức của các bệnh lý cơ xương khớp.

Uống nước dừa với lá trầu không có giảm đau nhức cơ xương khớp? - Ảnh 1.

Nước dừa có hiệu quả trong điều trị các chứng sưng, nóng, đau nhức của bệnh cơ xương khớp.

1. Công dụng của nước dừa và lá trầu không

Nước dừa:

Đông y gọi là gia tử. Tên khoa học là Cocos nucifera L. Bộ phận dùng: Cả quả.

Thành phần hóa học: Nước dừa chứa 1 đến 2% ose và polyol (sorbitol), các acid hữu cơ (acid malic) và rất nhiều acid amin. Vị ngọt, tính bình.

Công dụng:

- Nước dừa có tác dụng trị tiêu khát, nôn ra máu, thủy thũng, trừ phong nhiệt. Nhờ khả năng trừ phong nhiệt nên có hiệu quả rất tốt điều trị các chứng sưng, nóng, đau nhức của các bệnh cơ xương khớp.

- Thông tiểu, thanh can, chữa lậu, ho gió, chữa bệnh gan (rễ dừa).

- Chảy máu cam, ngừng nôn, giảm đau (sọ dừa).

Lá trầu không:

Tên khác: Trầu cay, lá trầu, trầu. Tên khoa học: Piper betle. Họ: Hồ tiêu (danh pháp khoa học: Piperaceae). Bộ phận dùng: Lá, thân và quả của cây trầu không được dùng để làm thuốc.

Thành phần hóa học: Cây trầu không có chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm: Tinh dầu thơm, betel-phenol, chavicol, eugenol, tanin, acid amin, vitamin...

Tính vị: Vị cay, nồng, tính ấm. Qui kinh: Qui vào kinh phế, vị, tỳ.

Tác dụng: Khu phong tán hàn, trừ phong thấp, chống ngứa, trung hành khí, hóa đàm và tiêu thũng chỉ thống. Tính năng hạ khí, tiêu viêm, sát khuẩn, kích thích tiêu hóa.

Chủ trị: Đau nhức cơ xương khớp do phong thấp hàn. Phòng sốt rét và bệnh lỵ. Các bệnh về phổi, đau đầu, suy nhược thần kinh, viêm nhiễm, tắc sữa.

Uống nước dừa với lá trầu không có giảm đau nhức cơ xương khớp? - Ảnh 3.

Lá trầu không chủ trị đau nhức cơ xương khớp do phong thấp hàn.

2. Cách chế biến nước dừa với lá trầu không giảm đau nhức xương khớp

Cách 1:

  • Dừa xiêm 1 quả, gọt vỏ, khoét 1 lỗ. Lá trầu không tươi 10 lá, rửa sạch, cắt nhỏ cho vào lòng quả dừa đậy nắp lại.
  • Đem chưng cho đến khi sôi để lăn tăn khoảng 5-10 phút rồi đổ ra, lọc lấy nước uống dần trong ngày.
  • Làm liên tục trong 2 tuần để thấy hiệu quả rõ ràng, các chứng sưng đau đều hết.

Cách 2:

  • Dừa xiêm 1 quả, gọt vỏ, khoét 1 lỗ. Lá trầu không tươi 10 lá, rửa sạch, ngâm nước muối loãng để ráo, cắt nhỏ cho vào lòng quả dừa đậy nắp lại.
  • Để chỗ thoáng mát khoảng 30-45 phút. Sau đó đem lọc lấy nước uống hàng ngày.
  • Duy trì liên tục 2 tuần để cải thiện triệu chứng.
Bài thuốc trên thường được dùng để giảm đau trong một số trường hợp đau xương khớp do gout, do thoái hóa hoặc viêm đa khớp dạng thấp... Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp, mà không thay thế được thuốc điều trị bệnh. Vì vậy, bạn nên đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa Y học cổ truyền để được tư vấn và điều trị cụ thể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bị sốt xuất huyết có nên uống nhiều nước dừa?


BS. Vũ Hồng
Ý kiến của bạn